Làm rõ trường hợp cấp bách Cảnh sát cơ động được huy động người, thiết bị

Thứ ba, 26/10/2021 12:00
(ĐCSVN) – Theo các đại biểu Quốc hội, cần quy định chi tiết hơn về các trường hợp và mức độ trang bị vũ khí cho Cảnh sát Cơ động, tránh việc lạm dụng không cần thiết.

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Đây là dự án luật được trình và cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Theo Tờ trình dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ), bổ sung thêm 2 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ, gồm: Được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trường hợp sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động.

Thống nhất cao với việc ban hành Luật CSCĐ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) khẳng định, quy định vị trí, chức năng của CSCĐ như tại Điều 3 dự thảo luật là cần thiết, trong đó nhiệm vụ quyền hạn của CSCĐ được bố trí dành riêng một điều, có kế thừa, có sửa đổi, có bổ sung là phù hợp, qua đó phát huy vị trí, vai trò, đáp ứng yêu cầu tác chiến, cơ động nhanh của CSCĐ.

 Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Ảnh: TL

Đại biểu cũng đồng tình việc bổ sung quyền của CSCĐ được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trường hợp sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT.

"Việc bổ sung quyền này là cần thiết và chặt chẽ, tháo gỡ những khó khăn thực tiễn trong thời gian qua, đồng thời phù hợp trong trường hợp cấp bách để giải quyết vụ việc", ĐB khẳng định.

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), cần làm rõ tính “đặc thù”, “đặc biệt” và “tinh nhuệ” của lực lượng cảnh sát cơ động với các lực lượng khác và chỉ hướng đến vấn đề có tính đặc thù, không quy định lại trùng lặp các quy định pháp luật đã quy định trong lực lượng Công an nhân dân. Từ đó, việc xây dựng nội dung Luật Cảnh sát cơ động phải thống nhất, phù hợp với Luật Công an nhân dân cũng như các bộ luật có liên quan khác nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Về thẩm quyền huy động phương tiện, thiết bị, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng đây là nội dung cần nghiên cứu, rà soát cẩn trọng trên nguyên tắc là phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động, tránh xu hướng lạm dụng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, chồng chéo với thẩm quyền của các cơ quan lực lượng khác, xung đột với các quy định pháp luật hiện hành, nhất là Luật Quốc phòng, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Phòng, chống thiên tai...

Đại biểu Trần Đình Văn (Lâm Đồng) đề nghị cần làm rõ và sâu sắc hơn tính vũ trang, tính cơ động, yêu cầu tác chiến nhanh, xử lý những tình huống khẩn cấp của lực lượng Cảnh sát Cơ động, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự - an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự - an toàn.

“Cần quy định chi tiết hơn về các trường hợp và mức độ trang bị vũ khí cho Cảnh sát Cơ động. Vì vậy, nên có quy định chi tiết các mức độ trang bị vũ khí cho các trường hợp trên ngay trong luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho các chiến sĩ cảnh sát cơ động thi hành nhiệm vụ”, đại biểu Trần Đình Văn nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chỉ ra, những quyền hạn của Cảnh sát Cơ động hay việc huy động người, phương tiện của cảnh sát cơ động hết sức đặc thù, có những trường hợp liên quan đến quyền con người, quyền tài sản. Cho nên, phải quy định rõ trường hợp nào được coi là cấp bách, để tránh việc lạm dụng không cần thiết”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu.

Một số ý kiến tại phiên thảo luận đã đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ phạm vi thực hiện nhiệm vụ CSCĐ nhằm tránh chồng chéo với các lực lượng khác./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực