Liên hợp quốc kêu gọi Bangladesh chấm dứt nạn tảo hôn

Thứ năm, 08/10/2020 12:44
(ĐCSVN) – Bangladesh cần phải hành động nhiều hơn nữa để giải quyết nạn tảo hôn, nếu nước này muốn đạt được mục tiêu xóa bỏ tội phạm vào năm 2041. Đây là cảnh báo được Liên hợp quốc đưa ra ngày 7/10.
 Độ tuổi kết hôn hợp pháp ở Bangladesh là từ 18 tuổi trở lên đối với nữ và 21 tuổi trở lên đối với nam. (Ảnh minh họa: UNICEF)

Theo người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Veera Mendonca, nạn tảo hôn đang đánh cắp tuổi thơ của trẻ em. “Chúng ta phải đầu tư từ ngay bây giờ để đảm bảo quyền sống và quyền được giáo dục của các bé gái, đồng thời giảm nguy cơ bị bạo lực và bóc lột”, bà Veera Mendonca cho biết.

Theo số liệu từ Liên hợp quốc, Bangladesh có tới 38 triệu bé gái đã kết hôn trước 18 tuổi, tương đương với gần một nửa nữ giới ở nước này. Đây là quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất ở Nam Á và đứng trong số 10 nước có tỷ lệ người phạm tội nhiều nhất trên thế giới.

Tuy vậy, tỷ lệ tảo hôn ở Bangladesh hiện đã giảm xuống mức 51% so với mức hơn 90% vào năm 1970.

Thực tế ở Bangladesh cho thấy, các cô dâu trẻ em thường cư trú ở các khu vực nông thôn và sống trong các hộ gia đình nghèo. Ít trong số các em có trình độ học vấn ở cấp trung học. Số liệu thống kê cũng cho thấy, cứ trong 10 cô dâu trẻ em thì có 5 em sinh con trước 18 tuổi và 8 em sinh con trước 20 tuổi.

Độ tuổi kết hôn hợp pháp ở Bangladesh là từ 18 tuổi trở lên đối với nữ và 21 tuổi trở lên đối với nam. Hơn 190 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, trong đó có Bangladesh, đã cam kết xóa bỏ nạn tảo hôn khi thông qua các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2015.

Trong bối cảnh diễn ra đại dịch COVID-19, khi trẻ em và các gia đình ở Bangladesh phải đối mặt với việc đóng cửa trường học, mất thu nhập và gia tăng áp lực trong gia đình, thì nguy cơ tảo hôn ngày càng cao. Ngay cả trong điều kiện bình thường, các trẻ em gái đã kết hôn có nguy cơ nghỉ học cao hơn 4 lần so với các trẻ em gái chưa kết hôn.

Để giải quyết vấn nạn tảo hôn, Chính phủ Bangladesh đã đưa ra Kế hoạch Hành động Quốc gia năm 2018 nhằm hạn chế tình trạng này, đồng thời cho rằng, phải mất nhiều năm để cảm nhận rõ kết quả của những biện pháp thực hiện./.

Kiều Giang (theo Reuters, Relief Web)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực