Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: Dương Chiến)
Sáng 30/1, tại Hà Nội, Ban Liên lạc Cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước tổ chức họp mặt Mừng Đảng, mừng Xuân và kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân Mậu Thân 1968.
Dự cuộc gặp mặt có các đồng chí: Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lê Thế Tiệm – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Đào Ngọc Lợi – Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH); Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)… cùng nhiều đồng chí là cán bộ Công an chi viện an ninh miền Nam.
Những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân
Tại cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhắc lại, cách đây 50 năm, đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đã nổ ra đồng loạt ở 4 thành phố lớn, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, huyện, lỵ trên toàn miền Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa chiến lược, lần đầu tiên ta đã chủ động tấn công, đưa chiến tranh vào các đô thị, thực hiện đòn đánh hiểm vào những nơi được coi là “bất khả xâm phạm”, “trung ương thần kinh”, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị và tiêu diệt lực lượng quan trọng của địch trên quy mô toàn miền Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh quật cường của quân và dân ta, khẳng định tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược của Đảng ta. Đồng thời là đòn giáng quyết định vào ý chí xâm lượng của đế quốc Mỹ, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi tới thắng lợi hoàn toàn.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Để có được chiến thắng lịch sử đó, đồng bào ta và các lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Công an nhân dân đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh biết bao công sức, xương máu và gánh chịu nhiều tổn thất, di chứng nặng nề cho đến ngày hôm nay”.
Cụ thể, ngay từ năm 1959, thực hiện chủ trương của Đảng về chi viện cho cách mạng miền Nam để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước, cùng với việc tăng cường tài liệu, vũ khí, phương tiện, Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ công an đã sớm lựa chọn hàng ngàn cán bộ để bồi dưỡng, huấn luyện và bố trí công tác tại các đơn vị đóng quân trên địa bàn miền Nam. Ở những thời điểm then chốt, Bộ Công an tiếp tục chi viện số lượng lớn cán bộ (năm 1965 đã chi viện 625 cán bộ, năm 1968 tiếp tục chi viện hơn 1 ngàn cán bộ) cho chiến trường miền Nam.
Với tinh thần “tất cả vì tiền tuyến lớn”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cán bộ Công an chi viện đã lăn lộn cả ba vùng chiến lược, cùng với quân đội và nhân dân chiến đấu, diệt ác, phá kìm; tham gia xây dựng các Ban an ninh tỉnh, huyện, khu Trung Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Khu 6, Liên khu 5, Đặc khu Sài Sòn – Gia Định...; đóng vai trò nòng cốt trong công tác nắm tình hình, cung cấp thông tin, giao liên mở đường, kết hợp với lực lượng tại chỗ tiến công vào các mục tiêu của địch, ngụy tại các đô thị trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ an ninh và hàng trăm cơ sở của lực lượng an ninh đã anh dũng hy sinh, hàng trăm cán bộ chiến sĩ bị địch bắt, tù đày, bị tra tấn dã man trong các nhà lao của địch, nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng....
Bộ trưởng khẳng định, những cống hiến, hy sinh to lớn đó đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng vẻ vang của dân tộc và lực lượng Công an nhân dân, củng cố niềm tin yêu, sự gắn bó với nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân, là động lực tinh thần to lớn để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
“Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và toàn lực lượng Công an nhân dân mãi mãi khắc ghi và bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh của anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng đã trực tiếp tham gia, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968 và sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Cũng trong cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Tô Lâm đã báo cáo những kết quả hoạt động năm 2017; phương hướng nhiệm vụ năm 2018.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các đồng chí cán bộ Công an đã công tác, chiến đấu ở các chiến trường B, C, K tiếp tục theo dõi, quan tâm cổ vũ, đóng góp ý kiến để lực lượng Công an nhân dân phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng vẻ vang, không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “chỉ biết còn Đảng thì còn mình”; giữ vững uy tín, danh dự, truyền thống quý báu của lực lượng Công an nhân dân anh hùng; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, giao phó.
Ký ức về một Mùa xuân lịch sử
Trải qua đúng nửa thế kỷ, nhiều cán bộ Công an chi viện an ninh miền Nam vẫn còn ghi dấu những kỷ niệm về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân Mậu Thân 1968 cũng như những kỷ niệm trong chiến đấu và công tác ở chiến trường miền Nam.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng nhiều
đồng chí Ban Liên lạc Cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam (Ảnh: Dương Chiến)
Thiếu tướng Phan Văn Lai - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chánh văn phòng Ban an ninh khu Trị Thiên – Huế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân là một trong những nhân chứng sống đã bước ra từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
50 năm trôi qua, cứ mỗi độ Xuân về, trong ông lại hiện lên biết bao kỷ niệm cảnh đón xuân nơi chiến trường: nào là tết trên đường Trường Sơn khi đang đi vào chiến trường, tết về vùng đồng bằng cùng đồng bào nổi dậy đồng khởi phá kèm, mở rộng vùng giải phóng… Song, dấu ấn sâu đậm nhất trong ký ức của ông vẫn là cái tết cùng nhân dân Huế trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Ông nhớ lại: “Cuối năm 1967, một mùa đông giá rét thấu xương mà nhiệt độ sôi động của chiến trường đang nóng lên từng ngày. Núi rừng bao la của đại ngàn Trường Sơn trở nên nhộn nhịp khác thường, không chỉ có tiếng vượn hú gọi đàn, tiếng lá rừng xào xạc mà còn có tiếng cười, tiếng hát của bộ đội trên đường hành quân và các đoàn dân công người dân tộc Ka Tu, Tà Ôi, Vân Kiều đang gồng mình gùi nặng trên vai vũ khí, lương thực, trên những ngọn núi cao, dốc đứng và kéo lùi chặng đường dài chỉ còn bằng “cán Rựa” như đồng bào dân tộc thiểu số từng ví von. Ở đồng bằng một cao trào chuẩn bị cho chiến dịch chưa từng có. Trong hai tháng liên tục, không đêm nào nghỉ, đồng bào từ các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà… chuyển đến địa điểm tập kết hơn 2.000 tấn gạo để cán bộ, du kích, dân công vận chuyển lên vùng căn cứ Khe Trái bằng gùi cõng, bằng thuyền của đồng bào vạn sông Bồ và được thưởng thức văn nghệ của Đoàn Văn công Quân khu biểu diễn văn nghệ thật tưng bừng, náo nhiệt như đêm hội giao lương”.
Trong dòng hồi ức của người chiến binh này vẫn còn nhớ như in: Để bảo vệ an toàn cơ quan chỉ đạo chiến dịch, từ mùa thu năm 1967, lãnh đạo An ninh Khu đã cử một trung đội an ninh vũ trang đến vùng Khe Trái nghiên cứu địa hình và bí mật đào một địa đạo kiên cố. Để đảm bảo bí mật anh em không được dùng chất nổ. Với hai bàn tay, cuốc, xẻng, dầu ma rút làm đèn cùng với nghị lực và quyết tâm suốt ngày đêm họ thay nhau kiên trì nhẫn nại đào bới sâu vào lòng đất dài 300m xuyên qua một ngọn đồi chia thành 3 cửa thông nhau, bên trong có phòng họp, phòng ngủ của lãnh đạo. Chính địa đạo này là nơi ở và làm việc của Chỉ huy chiến dịch trong suốt thời gian mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Ông bùi ngùi nhớ lại, chủ trương mở cuộc tiến công và nổi dậy. Huế được giữ bí mật tuyệt đối đến phút cuối cùng. Sáng 30 Tết, chúng tôi được thông báo chuẩn bị hành trang và chờ lệnh. Sáng mồng 1 Tết, mọi người động viên nhau đi ngủ, nhưng không ai chịu ngủ bởi ai cũng háo hức chờ đợi cuộc tổng tiến công vào Huế. Đến chiều ngày mồng 1 mọi người hò reo, vui mừng khôn tả khi được thông báo đến đêm sẽ tấn công trận quyết chiến, quyết thắng kẻ thù để giải phóng Huế. Các mũi tiến công ra đến bìa rừng trời đã xẩm tối. Một cuộc hành quân thần tốc, lặng lẽ trong đêm, phải băng qua nhiều cánh đồng và làng mạc, lại bị sương mù và mưa phùng che phủ, song đội hình vẫn bám sát nhau tới đích. Đúng 2h35 phút sáng mồng 2 tết, những loạt đạn DKB làm hiệu lệnh tấn công đã nổ, bầu trời của Huế sáng rực. Cuộc chiến đấu chỉ kéo dài đến 8 giờ sáng là quân giải phóng đã chiếm hầu hết thành phố Huế. Lá cờ của Mặt trận Liên minh dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam đã được kéo lên kỳ đài trước cửa Ngọ Môn.
Thiếu tướng Phan Văn Lai bày tỏ vẫn vô cùng cảm động mỗi khi nhớ về ngày chứng kiến cảnh dòng người trên con đường từ thành phố Huế rút lên vùng căn cứ cách mạng. Mặc dù địch ném bom, bắn pháo dữ dội nhưng vẫn không ngăn cản được dòng người trong đó có cả công chức, nữ sinh đi vận chuyển đạn dược, lương thực và cáng thương binh – một công việc vô cùng vất cả nặng nhọc mà người dân thành phố Huế chưa mấy biết đến. “Có lẽ chỉ có tấm lòng son sắt, thủy chung với cách mạng và tình yêu thương với các chiến sĩ giải phóng… mới giúp họ vượt qua thử thách của hoàn cảnh lúc bấy giờ” – ông đúc kết lại.
“Đã 50 mùa xuân trôi qua, nhưng Huế vẫn để lại trong tôi biết bao kỷ niệm về một mùa xuân lịch sử. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Huế đã nổi lên là một chiến trường xuất sắc nhất, làm chủ 26 ngày đêm, góp phần rất vẻ vang vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy của miền Nam anh hùng, làm cho kẻ thù lung lạc ý chí xâm lược, khiếp sợ trước sức mạnh của chiến tranh nhân dân ” – Thiếu tướng Phan Văn Lai xúc động nói.
Ngoài Thiếu tướng Phan Văn Lai, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Ban An ninh khu VI, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục III cũng là một chiến binh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 lịch sử.
Ông cho biết, năm 1968, thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Chỉ thị lịch sử số 32/CT ngày 15/12/1967 của Thường vụ Trương ương Cục, lực lượng An ninh khu VI đã tập trung lực lượng, trí tuệ, tiến ra tiền phương tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đã cung cấp tình hình địch và đề xuất Đảng lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng đánh vào 41 mục tiêu của An ninh ở khu cấp tỉnh, quận, 15 mục tiêu cấp xã.
Ông nhớ rõ từng con số: “An ninh trong các đội vũ trang công tác kết hợp với lực lượng vũ trang diệt 42 tên cảnh sát, 169 tên bình định, 38 tên biệt kích ngụy và biệt kích Mỹ, 4 tên dân ý vụ, 7 tên ở ty chiêu hồi… Bắt sống 292 tên, 6 cảnh sát, 3 dân ý ngụ, 9 bình định, 39 thám báo, 52 điệp ngầm, 4 đầu hàng phản bội có nợ máu, 41 tề xã ấp… đã mở 8 phiên tòa, xử tử 17 tên, cảnh cáo 8 tên, cải tạo 1.008 tề xã ấp”.
Trong ký ức của những cán bộ chi viện ấy, cuộc tổng tiến công và nổi dậy diễn ra rất thuận lợi lúc khởi đầu. Song cuộc chiến đấu chống địch phản kích lại diễn ra vô cùng căng thẳng, khốc liệt khiến ta gặp tổn thất nặng nề, trong đó có lực lượng an ninh.
Ôn lại những kỷ niệm hào hùng, các cán bộ Công an chi viện cũng khẳng định những thành công, hạn chế, kinh nghiệm trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn luôn là một trong những bài học vô giá nhắc nhở họ phải luôn giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng anh hùng để giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, vì sự bình yên của nhân dân cho hôm nay và mai sau./.