* Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra trong năm 2016, một năm đánh dấu sự kiện hết sức ý nghĩa, đó là 30 năm công cuộc đổi mới đất nước. Điều này thực sự có ý nghĩa với đông đảo tầng lớp nhân dân nói chung và giới văn nghệ sĩ nói riêng.
Có thể nói, từ Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 28/11/1987 của Bộ Chính trị về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hoá, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hoá phát triển lên một bước mới đã bắt đầu “cởi trói”, tôn trọng tự do sáng tạo cá nhân, chấp nhận mọi khuynh hướng, tự do sáng tác. Sau này đến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" và gần đây nhất là Nghị quyết 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, việc tôn trọng tự do sáng tạo cá nhân vẫn xuyên suốt qua các thời kỳ.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn
Tại Đại hội XII của Đảng, chúng tôi mong muốn, việc thể chế hóa Nghị quyết, đưa Nghị quyết của Đảng sẽ thâm nhập sâu đời sống văn nghệ, bởi từ Nghị quyết 23 đến nay vẫn còn nhiều gián đoạn, Nghị quyết của Đảng đã đi vào đời sống vẫn còn có những hạn chế. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn Đại hội XII của Đảng sẽ mở ra những trang mới, thể hiện sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn học nghệ thuật. Bên cạnh đó, đường lối văn nghệ của Đảng qua các thời kỳ sẽ có những giá trị thực tiễn để có thể tạo động lực mới cho nghệ thuật đương đại Việt Nam phát triển.
*NSƯT Triệu Trung Kiên, Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng: Đất nước ổn định và thịnh vượng luôn là mong muốn của bất kỳ người dân nào, không riêng giới nghệ sĩ. Chúng tôi, mong muốn làm sao Đại hội bầu được Ban Chấp hành Trung ương đủ đức, đủ tài, đủ tâm huyết để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Bởi, chỉ khi đất nước ổn định, đời sống nhân dân nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng mới được thăng hoa, phát triển.
NSƯT Triệu Trung Kiên
NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết, trong đời sống đương đại, những loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm một cách thiết thực, thực sự đi sâu, đi sát vào nghệ thuật truyền thống, có những chủ trương, chính sách thích hợp để làm sao nâng đỡ, giúp cho các loại hình nghệ thuật truyền thống không chỉ tồn tại mà còn có điều kiện để phát triển.
“Bản thân những người nghệ sĩ như chúng tôi, luôn có sự vận động, tự phấn đấu và cố gắng xác lập cho mình một chỗ đứng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, nếu có được sự bảo trợ vững vàng của Đảng và Nhà nước thì đó là điều sẽ chắp thêm cánh cho chúng tôi – những người đang nuôi dưỡng các bộ môn nghệ thuật truyền thống có điểm tựa và niềm tin để tiếp tục phấn đấu, tiếp tục cống hiến cho đất nước” - NSƯT Triệu Trung Kiên khẳng định.
*Nhà thơ Nguyễn Thị Kim, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội: Những năm qua, hoạt động của giới văn nghệ sĩ đã đạt được những thành công đáng khích lệ. Có được những thành công đó là nhờ có đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, đời sống của giới văn nghệ sĩ có nhiều biến đổi, đó là sự đa dạng hóa về các thành phần sáng tạo và sự tự do trong sáng tác. Chúng tôi mong rằng, Đảng và Nhà nước cần nâng cao hơn nữa vai trò vị trí của văn nghệ sĩ trong đời sống hiện đại. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho văn nghệ sĩ cũng cần được quan tâm hơn nữa. Trong tiếng nói của Đảng, của nhà nước cũng nên có các vị trí cho nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ có tài năng tham gia, khi đó sẽ có đóng góp nhiều hơn.
Nhà thơ Nguyễn Thị Kim
Mặt khác, để văn nghệ sỹ phát huy khả năng sáng tạo của mình, rất cần sự thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành những chính sách, cơ chế cụ thể. Hy vọng, với những chủ trương đúng đắn tại Đại hội lần này, hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật sẽ có thêm những thuận lợi mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của đất nước.
* Nhà văn trẻ Phan Tuấn Anh, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Huế: Với tư cách là một người viết trẻ, tôi mong muốn Đại hội XII của Đảng lựa chọn được thật nhiều nhân tài cho đất nước, đó là những người được nhân dân mến mộ, có đủ đức, đủ tài để đưa đất nước phát triển. Nhà văn trẻ Phan Tuấn Anh cũng mong rằng, nhiệm kỳ sắp tới của Đảng sẽ tiếp tục quan tâm đến giới văn nghệ sĩ, đặc biệt là đội ngũ sáng tác trẻ.
Nhà văn trẻ Phan Tuấn Anh
Nhà văn trẻ Phan Tuấn Anh cho rằng, tác giả trẻ quan tâm đến hai phương diện đó là: hỗ trợ về sáng tác và tạo điều kiện để “xuất hiện” trước công chúng, làm sao có những trang cho những người viết trẻ. “Thực tế, cũng có một số tạp chí dành riêng trang cho những cây bút trẻ, tuy nhiên, ở địa phương thì điều này còn hạn chế. Tại Huế, chỉ có Tạp chí Sông Hương của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, một tháng mới có một số, cho nên cơ hội xuất hiện của những cây bút trẻ không nhiều” - Phan Tuấn Anh cho biết.
Những người trẻ cũng cần có điều kiện để đi, trải nghiệm cuộc sống. Vì thế Phan Tuấn Anh cho rằng: Chúng tôi rất cần Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư đến đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là những người trẻ, để họ tiếp tục cố gắng và cống hiến hết mình.