Năm 2050, Hậu Giang sẽ là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 12/12/2023 20:48
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo quy hoạch tỉnh được phê duyệt, tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang sẽ là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Châu Anh)

Ngày 12/12, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề "Đổi mới - Đột phá - Quyết tâm - Khát vọng”. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 8/12.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng thời, có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy...

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Về tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, Hậu Giang phân thành bốn vùng: vùng Trung tâm gồm TP Vị Thanh và huyện Vị Thủy; vùng Đô thị - Công nghiệp gồm huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A; vùng Công nghiệp - Du lịch sinh thái gồm TP Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp; vùng Đô thị - Nông nghiệp sinh thái gồm thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ.

Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức hai hành lang kinh tế, được xác định theo tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

  Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: VGP/Hải Minh)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Hậu Giang cần bám sát những định hướng trong quy hoạch của tỉnh; trong quá trình thực hiện cần kiểm soát, linh hoạt, đồng bộ và quảng bá tuyên truyền rộng rãi đến người dân, cộng đồng, doanh nghiệp cũng như các tổ chức chính trị… tạo sự đồng lòng, chung tay góp sức thực hiện tốt quy hoạch.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý, tỉnh Hậu Giang cần chú trọng thực hiện liên kết vùng, trong đó quan trọng là xây dựng hạ tầng giao thông; gắn với khai thác và phát huy hiệu quả nét văn hoá của vùng đất, con người Hậu Giang, xem đó là nền tảng quan trọng trong quá trình phát triển.

Phó Thủ tướng nhận định, Hậu Giang đã có những thay đổi rất lớn về hạ tầng giao thông, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 cả nước. Tuy nhiên, Hậu Giang cần nắm bắt cơ hội và phát huy lợi thế của địa phương...

Tại Hội nghị đã có 12 dự án được trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư trị giá 19 ngàn tỷ đồng; ký kết 8 bản ghi nhớ đầu tư với tổng giá trị 220 ngàn tỷ đồng và 02 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư./.

Tiến Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực