Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), ngày 23/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Ngành Y vượt khó” nhằm cảm ơn những nỗ lực, cố gắng, những hy sinh, mất mát của đội ngũ y bác sĩ trên cả nước vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân trong bối cảnh khó khăn của ngành, đồng thời đưa ra các giải pháp hiệu quả để tháo gỡ những trở ngại, vướng mắc đang tồn tại.
|
Các khách mời tham gia Tọa đàm “Ngành Y vượt khó”. Ảnh: ĐT
|
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chỉ ra 9 khó khăn, thách thức hiện tại của ngành Y tế, như tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục một cách triệt để; cùng với dịch COVID-19, các dịch bệnh khác cũng xuất hiện nhiều như sốt xuất huyết, nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp… mà chưa rõ nguyên nhân; năng lực hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng còn nhiều hạn chế; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám chữa bệnh và phòng bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu…
Cũng tại tọa đàm, GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện (BV) Bạch Mai và GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu Nghị Việt Đức cũng chia sẻ về những khó khăn mà hai bệnh viện tuyến cuối của cả nước đang gặp phải trong giai đoạn hiện nay.
Theo GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, hiện tại BV gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, không thể tự xử lý được. Hàng ngày, số lượng người bệnh thường xuyên đến và phải chờ đợi được điều trị tại BV Việt Đức rất nhiều, trong khi cơ chế, chính sách để có thể mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế hiện tại vẫn đang vướng mắc.
Không chỉ BV Việt Đức mà nhiều bệnh viện khác như BV Bạch Mai, BV K ở ngoài Bắc, BV Chợ Rẫy ở TP.Hồ Chí Minh cũng có rất khó khăn để bảo đảm cung ứng được các điều kiện phục vụ người bệnh. Bức thiết nhất là hiện tại, tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, vật tư y tế để dành chăm sóc người bệnh, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh gần như đã hết.
Theo thống kê của BV Việt Đức, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng. Các vật tư tiêu hao dùng trong kỹ thuật mổ cũng chỉ trong vòng một tháng nữa sẽ hết. Theo quy định hiện hành, việc mua các vật tư tiêu hao phải đảm bảo các vật tư đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép. Hầu hết giấy phép cho các vật tư tiêu hao hiện nay chưa được cấp, chưa được gia hạn nên không thể mua được dù đấu thầu hay mua…
GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai cũng cho biết, 3 năm BV Bạch Mai thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện đồng nghĩa với việc gặp rất nhiều khó khăn nội tại, giá viện phí hiện tại quá thấp, không được tính đúng tính đủ...
“Về máy móc, trang thiết bị y tế, đại diện BV Bạch Mai cho biết, BV đang thiếu trầm trọng. “Hầu hết các thiết bị của BV Bạch Mai 10 năm qua là thực hiện liên doanh liên kết. Khi hết hợp đồng, các Thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực và chúng tôi đang chờ các quy định mới nên hiện tại không thể tái ký hợp đồng cũng như không thể ký các hợp đồng mới được. Trong khi đó, việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới BV không có nguồn ngân sách nào”- GS.TS Đào Xuân Cơ lo lắng.
|
GS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai (trái) và GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu Nghị Việt Đức chia sẻ tại Tọa đàm. |
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, những thách thức, khó khăn của ngành Y tế đang hiện hữu. Rất nhiều văn bản của chúng ta, do sự phối hợp giữa các ngành không đồng bộ nên khi ban hành gặp vướng mắc, dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh lại gặp khó khăn.
Tại Tọa đàm, các vị khách mời cũng thảo luận, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp như hoàn thiện thể chế chính sách để tạo hành lang pháp lý cho ngành y tế hoạt động, nhất là những vấn đề liên quan đến cải thiện phụ cấp, chế độ cho cán bộ, nhân viên y tế; sớm ban hành các văn bản liên quan đến khám chữa bệnh theo yêu cầu, liên doanh liên kết; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và hội nhập quốc tế; bảo đảm an ninh, an toàn cho thầy thuốc, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế…
“Rất mong Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Y tế để củng cố niềm tin, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các thầy thuốc với nhân dân. Đảng và Nhà nước phải chia sẻ với ngành y tế, cùng đồng hành, đồng lòng để giải quyết nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là chăm sóc sức khỏe nhân dân, để đất nước chúng ta có một nền y tế vừa hiện đại, vừa nhân văn và mang đầy bản sắc dân tộc”, TS. Bùi Sỹ Lợi phát biểu kết thúc Tọa đàm./.