|
OPEC+ giữ nguyên mức tăng sản lượng bất chấp giá dầu tăng kỷ lục. (Ảnh: Reuters) |
Theo các nguồn tin, các Bộ trưởng của 23 nước thuộc OPEC+ nhất trí giữ nguyên chiến lược khai thác dầu hiện nay tại cuộc họp trực tuyến kéo dài khoảng 15 phút. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh giá dầu đang tăng “phi mã” khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục leo thang.
Giá dầu thế giới ngày 2/3 đã vượt ngưỡng 113 USD/thùng, mức cao nhất trong gần 8 năm qua, sau khi các nước phương Tây siết chặt các lệnh trừng phạt Nga, đã làm gián đoạn nguồn cung từ nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.
Đây là mức tăng mà OPEC+ đã thực hiện kể từ tháng 8/2021. Theo thỏa thuận đạt được trước đó, các thành viên OPEC+ đã nhất trí sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức mỗi tháng sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày, bất chấp việc các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ trên thế giới kêu gọi liên minh này tăng thêm nguồn cung ra thị trường. OPEC+ lo ngại tình trạng cung vượt cầu có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi mong manh của ngành năng lượng.
OPEC+ đã tăng sản lượng dần dần trở lại sau khi nhất trí cắt giảm kỷ lục 10 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10% sản lượng toàn cầu hồi tháng 3/2020 để hỗ trợ thị trường ứng phó với đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo được đưa ra, trong giai đoạn từ tháng 12/2021-1/2022, các thành viên OPEC+ đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của khối lên 27,981 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mà OPEC+ nỗ lực hướng tới.
Ngày 2/3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các nước thành viên cũng đã đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu để bù đắp cho khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu từ Nga. Trong đó, 30 triệu thùng đến từ dự trữ dầu chiến lược của Mỹ.
Mới đây, trong bối cảnh Chính phủ các nước đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19, IEA đã nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của thế giới trong năm nay lên 100,6 triệu thùng dầu/ngày, tăng 3,2 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó.
IEA cảnh báo nếu tình trạng chênh lệch giữa sản lượng dầu của OPEC+ và mục tiêu do nhóm đề ra kéo dài, căng thẳng về nguồn cung sẽ leo thang, làm tăng nguy cơ bất ổn, tạo thêm áp lực giá cả và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31/3 tới đây./.