Phải biến nguy cơ thành thời cơ!​​

Thứ sáu, 10/04/2020 15:13
(ĐCSVN) – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ như đã diễn ra vừa qua ở một số địa phương, một số ngành; cùng với quyết tâm, các chỉ đạo cần phải cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ...

Quyết tâm, đồng lòng tháo gỡ khó khăn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19, ngày 10/4.

Hội nghị được tổ chức với 30 điểm cầu truyền hình tại Trung ương và 63 điểm cầu tại địa phương.

Đây được coi như một “Hội nghị Diên Hồng” để khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ hơn cho 4 mặt trận ứng phó toàn diện với các tác động từ dịch COVID-19: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Tập trung sức lực, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, trong thời điểm hiện nay, chúng ta quyết tâm chống dịch, thực hiện tốt Chỉ thị 16, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc; tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị, vẫn tổ chức sản xuất nhưng phải bảo đảm khoảng cách để không lây nhiễm trong cộng đồng.

“Tôi đề nghị chúng ta cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng yêu cầu phải tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ như diễn ra vừa qua ở một số địa phương, một số ngành.

Chỉ ra mức tăng trưởng 3,82% trong Quý I là đáng khích lệ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu nhưng đây là mức thấp, nhất là ở một số địa bàn trọng điểm, Thủ tướng lưu ý phải suy nghĩ  để phấn đấu tốt hơn; cùng với quyết tâm, các chỉ đạo phải cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ với giải pháp tái cơ cấu kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng đơn vị, doanh nghiệp. Đặc biệt, phải tìm thị trường mới, phải đổi mới cách làm, phải thay đổi thói quen.

“Phải xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đến đầu tư, an sinh xã hội, trật tự xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng lưu ý, phải đẩy mạnh sản xuất, cùng với xuất khẩu, phải chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Bên cạnh sản xuất và lưu thông thuận lợi thì chống đầu cơ, nâng giá, nhất là thịt lợn.

Bên cạnh đó là chú ý đẩy mạnh công tác đối ngoại khi năm 2020 Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cả nước tiếp tục ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Công tác truyền thông phải tiếp tục đổi mới, tạo nên động lực mới, sự đồng lòng, nhất trí trong toàn dân, toàn quân.

Thủ tướng tin tưởng một khí thế mới, một quyết tâm mới, vượt khó đi lên trong giai đoạn thực hiện mục tiêu kép vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống xã hội, an ninh trật tự.

Đánh giá các ý kiến, đề xuất của nhiều bộ, ngành, địa phương là rất tâm huyết, đúng hướng, thể hiện quyết tâm trong phòng chống dịch và đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết: Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết 91 kiến nghị mà các tỉnh, thành phố nêu ra tại Hội nghị.

Thủ tướng cho biết, sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết mới mang hơi thở của cuộc sống và thể hiện ý chí cách mạng của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện mục tiêu kép đã nêu.

Tháo gỡ khó khăn các dự án ODA, đẩy nhanh giải ngân vốn

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để đưa vào nghị quyết của Chính phủ.

Hội nghị được tổ chức với 30 điểm cầu truyền hình tại Trung ương và

63 điểm cầu tại địa phương. 

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết: Thành uỷ sẽ yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo để rà soát tất cả các điểm nghẽn đẩy nhanh giải ngân vốn. Hà Nội có khoảng 37.000 - 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn các dự án ODA như: Gói thầu số 9 Dự án Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội trong năm 2020; Dự án Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và thúc đẩy việc giải ngân của Dự án trong năm 2020. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cho phép rà soát một số công trình trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, giao thông trọng điểm để lựa chọn nhà đầu tư theo điều 26 - Luật Đấu thầu.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho hay: Dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Trong bối cảnh trên, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm, nỗ lực quán triệt, thực hiện thật tốt chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa hạn chế những tác động khó khăn của dịch bệnh, phấn đấu ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2020 theo kế hoạch đã đề ra.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với những chính sách thiết thực, cụ thể, như: Hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi giảm từ 30% trở lên so với lãi suất cho vay theo quy định thông thường; giảm 50% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp; hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 - 2021; xem xét, mở rộng đối tượng được miễn thị thực cho các thị trường sau khi kết thúc dịch bệnh; điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điểm đến tháng 5 năm 2020. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực