Phát huy tinh thần doanh nhân Việt Nam

Thứ bảy, 08/10/2022 14:30
(ĐCSVN) - Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam năm 2022 nằm trong chuỗi sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm nay đã thu hút gần 200 doanh nhân, nghệ nhân, nghệ sĩ và đông đảo các nhà khoa học tiêu biểu của cả nước.
leftcenterrightdel
 Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam năm 2022 (Ảnh: Nguyễn Chí)

Thiết thực chào mừng 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022); kỷ niệm ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10 và ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ngày 8/10 tại Hà Nội, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam năm 2022 với chủ đề: “Doanh nhân Việt Nam: Tâm - Tài - Cống hiến - Phụng sự Tổ quốc - Đồng hành cùng Dân tộc”.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận các nhóm nội dung như: Giải pháp chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái truyền thông, marketing 4.0; lan tỏa câu chuyện sản phẩm và tinh thần “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”; tăng cường liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi; giao lưu, kết nối giao thương, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường liên kết “5 Nhà” trong hoạt động sản xuất kinh doanh; ngày hội mua sắm sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền với hơn 100 gian hàng.

Đặc biệt, trong sự kiện này, các nghệ nhân, doanh nhân, nhà khoa học tham dự Chương trình sẽ thảo luận và đưa ra khuyến nghị, cũng như cam kết xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát huy tinh thần doanh nhân Việt Nam “Tâm - Tài - Cống hiến - Phụng sự Tổ quốc - Đồng hành cùng Dân tộc”. Đây cũng chính là bộ quy tắc ứng xử của doanh nhân với cộng đồng hướng đến sự phát triển toàn diện và bền vững trong giai đoạn hiện nay, với những nội dung chính như: Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đầy đủ sứ mệnh, vai trò và trách nhiệm xã hội của nghệ nhân, doanh nhân, nhà khoa học trong việc gìn giữ và phát huy tinh thần doanh nhân Việt Nam. Xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định của doanh nghiệp gắn với các chuẩn mực đạo đức, văn hoá góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập phát triển; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác và giải quyết hài hoà các mặt lợi ích trong và ngoài cơ quan.

Xây dựng quy trình quản lý, sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch, an toàn, thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe con người; cải thiện môi trường làm việc, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện an sinh xã hội. Đề cao yếu tố văn hoá trong mọi hoạt động; nêu cao tinh thần nhân văn hướng thiện, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong và ngoài cơ quan góp phần bồi đắp những nền tảng văn hóa tinh thần của dân tộc.

Tích cực đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật để giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm dịch vụ để cải thiện thu nhập cho người lao động, tích cực đóng góp vào ngân sách nhà nước và chia sẻ với cộng đồng. Không ngừng phát huy vai trò trách nhiệm của nghệ nhân, doanh nhân, nhà khoa học trong thay đổi những thói quen xấu; kiến tạo những giá trị văn hoá mới, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá, những giá trị mới của thời đại.

Quản lý, điều hành mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo phương châm “Thượng tôn luật pháp - Kết nối tiềm năng - Gia tăng giá trị - Phát triển bền vững”. Đồng thời góp phần quảng bá, tôn vinh và lan tỏa những giá trị sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Việt Nam; khơi dậy tiềm năng, lợi thế của đất nước và phát huy tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tích cực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đóng góp thiết thực vào việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực