Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tích tụ ruộng đất phải đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho nông dân

Thứ sáu, 14/04/2017 17:13
(ĐCSVN) - Ngày 14/4, tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị Giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị nhằm đánh giá và cung cấp thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định chính sách quản lý đất đai, tích tụ đất đai và các chính sách khác có liên quan tới tầm nhìn dài hạn và bền vững…

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, Việt Nam luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Nhiều năm qua, chính sách, pháp luật về đất đai đã từng bước được xây dựng, cải cách, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Trong tiến trình phát triển đó, nông nghiệp luôn là yếu tố, là động lực đầu tiên để Đảng và Nhà nước cải tổ chính sách, pháp luật về đất đai.

Mục tiêu được đặt ra là xây dựng một nền nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại; năng suất, chất lượng cao, thông qua ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến. Để đạt được mục tiêu này, một trong những đòi hỏi là phải tích tụ, tập trung được quỹ đất phù hợp để tổ chức sản xuất.

Chính vì vậy, chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thông qua mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, lần thứ XII của Đảng.

Đến nay, thực tế đã có nhiều mô hình và phương thức thực hiện tích tụ, tập trung đất đai có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số bất cập cần tiếp tục giải quyết cả về lý luận và thực tiễn.

Bởi vậy, việc đánh giá và cung cấp thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp với tầm nhìn dài hạn và bền vững là cần thiết.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là khu vực mà được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đây là nền tảng đảm bảo ổn định phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nông dân, đảm bảo đất nước phát triển bền vững.

Trong tất cả các bước đổi mới thì nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp là lĩnh vực đầu tiên được quan tâm thực hiện. Trong đó, việc giao đất cho các hộ gia đình có thời hạn và lấy kinh tế hộ gia đình làm động lực phát triển, đưa đất nước từ thiếu đói, thiếu lương thực thành nước đủ và thừa lương thực và là nước xuất khẩu lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, bước sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc lấy thị trường làm nguyên tắc phát triển hiệu quả thì mô hình kinh tế hộ gia đình với việc quản lý sử dụng đất, những mảnh đất nhỏ lẻ manh mún khó phù hợp với nền nông nghiệp yêu cầu quy mô lớn, khả năng cạnh tranh nội địa, khu vực và quốc tế. “Do đó yêu cầu phải tích tụ tập trung ruộng đất để có mảnh đất lớn đầu tư áp dụng khoa học công nghệ, chuyên canh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn, nâng cao năng lực, chất lượng, sức cạnh tranh của nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung... Đây là yêu cầu cấp bách” -  Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Về chính sách, pháp luật đất đai, Phó Thủ tướng cho rằng, để có thể tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội phải từng bước hoàn thiện pháp luật, thể chế liên quan đến tích tụ đất đai.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích cụ thể nhu cầu cấp bách của việc tích tụ, tập trung đất đai phục vụ cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại.

Cùng với đó, đánh giá thực trạng tích tụ, tập trung đất đai phục vụ cho phát triển nông nghiệp hiện nay. Trong đó cần làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đó có việc tích tụ, tập trung đất đai.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, cần tập trung phân tích, đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách tích tụ, tập trung đất đai đến các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, cần tập trung phân tích tác động tích cực, tiêu cực của việc bỏ quy định về hạn mức tích tụ đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và không hạn chế đối tượng được tích tụ đất trồng lúa.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, yêu cầu tích tụ ruộng đất nhưng phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của các chủ thể tham gia phát triển nông nghiệp; tích tụ ruộng đất nhưng không làm nghèo người dân, không để người dân mất việc làm, nghèo đói. Các ý kiến cần tập trung giải quyết mâu thuẫn giữa tập trung ruộng đất với giải phóng sức lao động trong nông nghiệp; giữa tập trung ruộng đất với ổn định, nâng cao đời sống của người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung làm rõ các giải pháp then chốt như: Hoàn thiện pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp về đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo việc làm; giải pháp về kỹ thuật đặt ra với các đại biểu tham dự Hội nghị./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực