Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Liên thông xét nghiệm, bệnh viện thuộc Bộ phải gương mẫu làm trước

Thứ năm, 01/11/2018 15:30
(ĐCSVN) - Khẳng định mục tiêu của liên thông xét nghiệm là để chữa bệnh tốt hơn và phải tiết kiệm hơn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đã trực tiếp làm việc với Bộ Y tế về Đề án liên thông kết quả xét nghiệm. Theo đó, các bệnh viện thuộc Bộ phải gương mẫu làm trước chứ không phải là thực hiện thí điểm.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên chất vấn sáng 1/11. (Ảnh: Bích Liên)

Tiếp tục phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 1/11, trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về vấn đề liên thông kết quả xét nghiệm y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Khi mới được giao theo dõi lĩnh vực y tế, Phó Thủ tướng đã gặp nhiều người, đặc biệt các nhà khoa học và được thông tin, phản ánh về cơ cấu chi phí khám, chữa bệnh. Theo đó, chi phí tiền thuốc có thời điểm chiếm 49%, kết quả xét nghiệm trên 11%, chụp chẩn đoán hình ảnh 8%. Đây là một tỷ lệ quá lớn và rất lãng phí.

Theo Phó Thủ tướng, một trong những nguyên nhân khiến chi phí dành cho xét nghiệm cao là do chính sách về quản lý tài chính của cơ sở y tế. Đặc biệt là chính sách huy động xã hội hóa (thực chất là tư nhân hóa) việc đặt máy móc xét nghiệm trong bệnh viện, nên có động cơ tìm mọi cách để xét nghiệm nhiều.

Khẳng định mục tiêu của liên thông xét nghiệm là để chữa bệnh tốt hơn và phải tiết kiệm hơn, Phó Thủ tướng cho biết đã trực tiếp làm việc với Bộ Y tế về Đề án liên thông kết quả xét nghiệm. Các thời hạn thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm mà Bộ Y tế đề ra đều được yêu cầu rút ngắn lại. Đồng thời, các bệnh viện thuộc Bộ Y tế phải gương mẫu làm trước chứ không phải là thực hiện thí điểm.

Theo Phó Thủ tướng, việc liên thông thực ra rất đơn giản. Các phòng xét nghiệm ở các cơ sở y tế đạt chuẩn là liên thông được. Bộ Y tế cần ban hành chuẩn phòng xét nghiệm, sau đó cho tổ chức kiểm tra, xác nhận đạt chuẩn là liên thông được. Nếu phòng xét nghiệm không đạt chuẩn thì không được xét nghiệm. “Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cần quán triệt tinh thần thời hạn nêu trong đề án là thời hạn chậm nhất, còn liên thông sớm ngày nào thì tiết kiệm cho người bệnh ngày đấy nhưng quan trọng hơn là chữa bệnh tốt hơn. Tôi cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, địa phương chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế của mình phải tham gia vào đề án này, bước qua lợi ích cục bộ của mình”, Phó Thủ tướng nói.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) về việc Việt Nam có triết lý giáo dục hay không? Phó Thủ tướng khẳng định: Việt Nam có triết lý phát triển và nền giáo dục cũng có triết lý.

Theo Phó Thủ tướng, các nước trên thế giới đều có triết lý phát triển nhưng một số nước đúc kết thành những câu ngắn gọn, dễ hiểu để nhấn trọng tâm. “Còn đất nước mình có rất nhiều câu, dễ thấy nhất là quốc hiệu, trước là: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, bây giờ là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Chúng ta cũng tìm thấy trong đó như một triết lý”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với giáo dục Việt Nam, mục tiêu là phát triển con người “Đức, Trí, Thể, Mỹ” hay thực hiện đầy đủ 4 trụ cột giáo dục của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) gồm: Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình. Gần đây, UNESCO bắt đầu đưa vào trụ cột thứ 5 là: Học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn.

Phó Thủ tướng cũng thông tin thêm, tới đây, khi bàn sửa Luật Giáo dục, một trong những điều đầu tiên của luật là có một điều về mục tiêu giáo dục. “Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo nhiều cuộc thảo luận để đưa vào cô đọng nhất những vấn đề đặc trưng mục tiêu và có tính triết lý của giáo dục Việt Nam. Tôi khẳng định lại Việt Nam có triết lý giáo dục của mình chứ không thể nói là không có triết lý”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực