Sáng 10/10, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2022.
Học phí, các dịch vụ tăng cao nhưng tiền lương không tăng
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, cử tri và Nhân dân cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng trong điều kiện vừa lo kiềm chế dịch bệnh, vừa phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn tạo nhiều điểm sáng tích cực.
|
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu (Ảnh: Phạm Thắng) |
Tuy nhiên cử tri bày tỏ sự lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững, những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng, giá xăng dầu có giảm nhưng nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn còn ở mức cao.
Cử tri ở vùng nông thôn lo ngại các mặt hàng nông sản chủ lực vẫn còn gặp tình trạng giá cả không ổn định, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng cao phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng; một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thiếu đầu ra ổn định, giá lúa vụ Hè -Thu không tăng so với cùng kỳ, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên đàn gia súc tại một số địa phương tiềm ẩn những yếu tố rủi ro cao, việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, việc làm, thu nhập của người lao động gặp khó khăn…
Cử tri và Nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng thể chế kiến tạo phát triển, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiết kiệm triệt để, giảm chi tiêu không cần thiết.
Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn chậm do thời gian giao vốn chậm; công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do giá đất tăng; giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao; thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư, nhất là đối với các dự án mới kéo dài; năng lực của một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, ban quản lý dự án còn hạn chế.
Xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản ánh, cử tri và Nhân dân bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bước đầu ghi nhận kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh... công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng hơn nữa.
Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự đồng tình ủng hộ, đánh giá rất cao việc kiên quyết xử lý theo kỷ luật Đảng và kỷ luật Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân vi phạm trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương. Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo rất quyết liệt việc điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân; xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao trong các vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; vụ án “đưa và nhận hối lộ” khi tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch COVID-19; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu trái pháp luật” ở một số Tập đoàn như tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ việc trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ sở đào tạo khác…
Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự lo ngại lớn khi kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp, trong đó tội phạm về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Báo cáo về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/7/2022, cơ quan chức năng đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,61%; song tỷ lệ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% với 396 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật; đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để không thể tham nhũng, tiêu cực.
Cử tri đề nghị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Cử tri đề nghị Nhà nước sớm hoàn thành việc điều tra để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp và người đứng đầu trong các dự án lớn bị thua lỗ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và thông tin công khai kết quả xét xử cho người dân biết, theo dõi, giám sát.
Cử tri và Nhân dân mong muốn tiếp tục kịp thời xem xét, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, tiêu cực đối với tình trạng đang xảy ra ở nhiều nơi khi người dân đã nộp tiền mua đất, mua nhà ở nhưng chưa được giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận nhận quyền sử dụng đất, chưa được xây nhà ở để ổn định cuộc sống, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của Nhân dân; xử lý tình trạng dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai tồn tại nhiều năm, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, lãng phí tài nguyên đất; các tài nguyên, khoáng sản khác...
Đồng thời mong muốn Đảng và Nhà nước có giải pháp phòng, chống, ngăn chặn từ sớm, từ xa để kiểm soát tình trạng gia tăng tỷ lệ tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và tội phạm về tham nhũng và chức vụ./.