Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Thứ năm, 18/01/2024 09:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Sáng 18/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, với 450 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,28%), Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 15 chương, 210 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Luật bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 113 và tương tự tại các điều tương ứng với từng loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) như sau: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc NHNN”.

Về giới hạn cấp tín dụng, Luật quy định lộ trình cụ thể với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.

Đáng chú ý, Luật quy định giao Ngân hàng nhà nước (NHNN) xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp, trong đó có trường hợp “a) Số lỗ lũy kế của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu” tại khoản 1 Điều 156.

 Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: QH.

Đồng thời, bổ sung giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của tổ chức tín dụng, tránh tình trạng có TCTD đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua, đến khi phát hiện thì đã muộn (quy mô tăng lên rất nhanh do không bị kiểm soát về hoạt động và tăng trưởng tín dụng) khiến cho việc xử lý càng trở nên khó khăn hơn và phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn.

Luật giao thẩm quyền cho NHNN xem xét, quyết định đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc một trong 6 trường hợp sau:

“a) TCTD được can thiệp sớm không có phương án khắc phục gửi NHNN hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của NHNN;

b) Trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, TCTD được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục;

c) Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà TCTD không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm;

d) Bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống TCTD;

e) Tỷ lệ an toàn vốn của TCTD thấp hơn 04% trong thời gian 06 tháng liên tục;

d) TCTD bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản”.

Đồng thời, để có cơ sở xử lý các tình huống đặc biệt có thể phát sinh, kế thừa Luật Các TCTD hiện hành, dự thảo Luật quy định: “Trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của NHNN và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.../.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực