Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng ngày 14/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Theo đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn ĐBQH Lào Cai), để đảm bảo và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở cần bám sát và thể chế hóa đầy đủ phương châm đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, đó là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tuy nhiên, dự thảo Luật chủ yếu mới cụ thể hóa được nội dung dân biết, dân bàn, dân quyết định; còn nội dung dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng thì chưa được thể hiện rõ nét.
Đại biểu cũng chỉ rõ, việc phân biệt giữa dân kiểm tra và giám sát còn chưa có căn cứ chung, khó xác định để tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân đã được nêu trong Hiến pháp. Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ hơn các quy định về nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát, hiệu lực và các kiến nghị thực hiện sau kiểm tra, giám sát của người dân. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung cụ thể hóa cơ chế dân thụ hưởng tại một loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở bởi đây là điểm mới quan trọng của dự án Luật này.
Bên cạnh đó, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị bổ sung quy định về hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ, cơ sở chế tài hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chậm trễ hoặc không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như việc lợi dụng thực hiện dân chủ để kích động, gây rối, gây mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan, đơn vị và Nhân dân.
|
Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (Đoàn Quảng Ngãi) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: QH |
Đồng quan điểm, đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn Quảng Ngãi) cho biết: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong đó có chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát dân thụ hưởng và nêu rõ quan điểm cụ thể về phát huy dân chủ.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng trên, xác định và bổ sung quy định về cơ chế dân giám sát, dân thụ hưởng, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy nhà nước và chất lượng cán bộ, đảng viên. Cần thể chế hóa đầy đủ nội dung, phương châm dân giám sát, dân thụ hưởng. Theo đó, nghiên cứu bổ sung một điều Luật sau 1 năm về nhân dân giám sát tại Chương II để thể chế hóa cơ chế dân thụ hưởng vào dự thảo Luật. Các nội dung quy định về chính quyền cấp xã phải thực hiện công khai, minh bạch trong việc thực hiện dịch vụ công, hạn chế tối đa người dân phải “xin, cho” khi giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của nhân dân. Đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội,… đối với nhân dân địa phương.
Đại biểu cũng cho rằng cần quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tình hình, xử lý ý kiến, kiến nghị của nhân dân... Đồng thời phải quy định chế tài cụ thể để đảm bảo điều kiện thực thi dân giám sát, dân thụ hưởng. Theo đó, nếu không làm hoặc làm sai quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở thì phải chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý trách nhiệm và bồi thường thỏa đáng.
Dẫn chứng và nhìn lại tất cả những cái vụ án tham nhũng như vụ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hoặc vụ mua bán Mobifone… đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội) chỉ ra, những vụ này đều có điểm chung thực hiện rất đúng, các quy trình rất có đầy đủ. Tuy nhiên cũng có điều giống nhau nữa là không được minh bạch, không được công khai, không được thông tin để cho người dân biết.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu chúng ta công khai dân chủ để mọi người đều biết thì tất cả những vụ này đều được ngăn chặn trước. Qua đó cho thấy, nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch để người dân biết được thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ nhận được rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp của người dân để mang lại kết quả quyết định đó tốt hơn. Đồng thời cũng sẽ tránh được những sai phạm như thời gian vừa qua.
Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất “chỉ không công khai những gì thuộc về bí mật nhà nước, thuộc về quy định cấm không được công khai, trường hợp còn lại như tất cả các quyết định có liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân đều phải thực hiện công khai”./.