Sáng 7/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Cần bổ sung thanh tra huyện có trách nhiệm thanh tra việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định giữ Thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành.
Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên), thanh tra huyện có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, đồng thời bảo đảm đúng nguyên tắc ở đâu có quản lý, ở đó có thanh tra. Trong thực tiễn, việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp ngay từ cơ sở là cần thiết, thanh tra huyện bảo đảm việc giải quyết đơn thư kịp thời, tránh gây áp lực cho thanh tra tỉnh.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần phải bổ sung một nhiệm vụ là thanh tra trách nhiệm trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với cơ quan Nhà nước và Ủy ban Nhân dân cấp dưới.
“Đối với Ban tiếp công dân cấp huyện nên giao cho cơ quan thanh tra tập trung vào một đầu mối để làm tốt hơn chức năng tham mưu, chức năng quản lý Nhà nước đối với công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo”, đại biểu Mai Văn Hải kiến nghị.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: QH) |
Để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra huyện, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ, cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực về con người, sớm kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra huyện, để thanh tra huyện đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình mới.
Nhất trí việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra cấp hành chính, trong đó thanh tra huyện như hiện hành, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, cần phân cấp nhiều hơn cho cơ quan thanh tra cấp huyện, sau khi luật có hiệu lực cần sớm hướng dẫn để tổ chức bộ máy và điều kiện đảm bảo để thanh tra cấp huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Khắc phục chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra
Về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, tại khoản 1 Điều 52 dự thảo Luật quy định giải quyết chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán trong trường hợp không thống nhất, cơ quan nào tiến hành hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán trước cơ quan đó tiếp tục thực hiện.
Theo đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa), nếu quy định như thế thì chưa bao quát hết, bởi vì có trường hợp chưa triển khai hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán mà chúng ta đã phát hiện ngay mâu thuẫn trong quá trình xây dựng kế hoạch thì sẽ rất khó xử lý.
“Tôi đề nghị để xử lý vấn đề này nên giao cho Thanh tra Chính phủ xem xét và quyết định. Đề nghị không chỉ quy định về xử lý chồng chéo giữa Thanh tra sở với Thanh tra huyện, mà cũng cần xem xét, quy định để xử lý chồng chéo giữa Thanh tra các sở với nhau”, đại biểu đề xuất.
Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) nêu quan điểm, không nên quy định nguyên tắc xử lý lưỡng tính như dự thảo, sẽ khó thực hiện trong thực tế và mất nhiều thời gian xử lý, ảnh hưởng đến kế hoạch thanh tra và tiến độ thanh tra của cơ quan. Do đó, đề nghị chỉ nên quy định một nguyên tắc cơ quan nào đang tiến hành thanh tra hoặc kiểm toán trước thì cơ quan đó tiếp tục thực hiện. Tương tự về chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động Thanh tra tỉnh và Thanh tra Tổng cục, đại biểu đề nghị quy định rõ cơ quan nào sẽ tiến hành thanh tra hoặc cơ quan nào sẽ tiến hành thanh tra trước khi cơ quan đó tiếp tục thực hiện.
|
Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: QH) |
Qua thực tiễn hoạt động thanh tra, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) đề xuất, luật cần thiết kế các biện pháp để bảo đảm vị thế chính trị, tính độc lập gắn với tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan thanh tra nhà nước tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao và nhất là bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đại biểu chỉ ra, trên thực tế đã có không ít trường hợp người đứng đầu cơ quan thanh tra và trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo xin ý kiến thủ trưởng của cơ quan quản lý nhà nước theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp trước khi người đứng đầu cơ quan thanh tra ký kết luận. Điều đó cũng có nghĩa kết luận thanh tra sẽ không bảo đảm tính khách quan nếu thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có sự lệch lạc.
Vì vậy, để bảo đảm hoạt động thanh tra được chính xác, khách quan, chống tham nhũng, tiêu cực, có hiệu quả, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị luật cần quy định rõ các biện pháp tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, của người đứng đầu cơ quan thanh tra đối với hoạt động của đoàn thanh tra. Theo đó, đề nghị bổ sung về xây dựng kế hoạch thanh tra và xử lý kết luận sau thanh tra nếu trong trường hợp người đứng đầu cơ quan thanh tra trình kế hoạch thanh tra hoặc kết luận thanh tra mà thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp không chấp thuận thì ý kiến không chấp thuận phải thể hiện bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc./.