Quyết tâm đưa kinh tế phát triển mạnh sau dịch bệnh

Thứ ba, 05/05/2020 23:18
(ĐCSVN) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh nội dung trên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, chiều tối 5/5.

Thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh sau dịch

Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đây là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên sau khi chúng ta chuyển sang một giai đoạn mới, nới lỏng những quy định khắt khe về phòng chống dịch và giãn cách xã hội. 

Trong suốt 3 tháng qua, chúng ta đã tập trung cao độ phòng chống dịch bệnh. Quan điểm xuyên suốt là “chống dịch như chống giặc”; huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; “lấy phòng dịch làm ưu tiên”, “khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả”, “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”.

Đến nay, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng (liên tục gần 20 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng). 

“Thắng lợi đến thời điểm này của chúng ta là rất quan trọng và ý nghĩa, khẳng định quyết tâm, ý chí thống nhất trong hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc. Qua đó củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và khẳng định tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ, của hệ thống chính trị nước ta”, Bộ trưởng nói. 

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, tình hình đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cùng đồng hành, chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ quyết liệt phòng chống dịch; đồng thời quyết tâm cao độ để vượt qua khó khăn trên các lĩnh vực do dịch bệnh gây ra, với tinh thần "khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba"; phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian có dịch và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh sau dịch. 

Trong đó, Thủ tướng lưu ý sớm nghiên cứu và triển khai kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến của dịch trong và ngoài nước, kiên quyết ngăn ngừa không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Nghiên cứu, kiến nghị sớm những chính sách pháp luật nhằm sớm tái khởi động, khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ đời sống người dân trong thời gian dịch bệnh và sau khi kết thúc dịch bệnh. Quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính; cắt, giảm điều kiện kinh doanh một cách thực chất, hiệu lực, hiêụ quả…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: TH. 

Vì sao giá thịt lợn vẫn tăng cao?

Tại cuộc họp báo, đề cập đến việc có hay không sự khuất tất trong việc nhập khẩu thịt lợn, trong khi giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức rất cao, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương giải thích: Cơ chế quản lý giá thịt lợn theo cơ chế thị trường, phụ thuộc cung - cầu. Khi giá thịt lợn tăng cao ảnh hưởng đến chỉ số vĩ mô là CPI, ảnh hưởng đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng rất lớn đến tổng đàn lợn trên toàn quốc. Nhiều tỉnh chưa công bố hết dịch nên nhiều nơi chưa tái đàn. Mặt khác, giá con giống tăng cao, 2-3 triệu đồng một con, cũng khiến người chăn nuôi thiếu vốn khi muốn tái đàn. 

Ông Hải cho biết chỉ có 2 cách khắc phục là tái đàn và tăng cường nhập khẩu. Tuy nhiên, tái đàn thì không thể trong một thời gian ngắn mới có thể hoàn thành.

Bù đắp lượng thịt thiếu, Thủ tướng cho phép nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn nhưng thực tế tới hết tháng 4 mới chỉ đạt 45.000 tấn. Việc nhập khẩu thịt lợn sẽ được tăng cường để đủ số lượng được giao, giúp giảm giá thịt trong nước. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, thách thức hiện nay là thói quen dùng thịt tươi của người dân nên họ khá thờ ơ với thịt nhập khẩu dù giá rẻ hơn. Vì vậy, doanh nghiệp nhập khẩu cũng dè dặt, không dám nhập về nhiều sợ lỗ, khiến điều hành thị trường khó khăn hơn. Bên cạnh đó, để tái đàn lợn phải có giống sạch, thời gian nuôi lợn phải mất khoảng 4 - 6 tháng mới có thể xuất chuồng./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực