Sẽ không tiến hành chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp Quốc hội thứ 9

Thứ sáu, 24/04/2020 20:53
(ĐCSVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc tổ chức kỳ họp theo 2 đợt trực tuyến và tập trung, không tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp nhằm bảo đảm phù hợp tình hình dịch bệnh hiện nay; đồng thời, bảo đảm Quốc hội vẫn có thể xem xét, quyết định kịp thời những vấn đề cấp thiết do thực tiễn đặt ra.

Chiều 24/4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Một nửa thời gian họp trực tuyến, không chất vấn trực tiếp

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Đa số ý kiến (59/63 Đoàn) nhất trí việc tổ chức kỳ họp theo 02 đợt theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung để tạo sự chủ động cho việc chuẩn bị kỳ họp.

“Việc áp dụng hình thức họp trực tuyến sẽ là một bước tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, tiến tới Quốc hội điện tử; đồng thời, cũng là cách thức để Quốc hội có thể xem xét, quyết định kịp thời (phản ứng nhanh) những vấn đề cấp thiết do thực tiễn đặt ra”, Tổng thư ký nói.

Về thời gian: Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17,5 ngày.

Cụ thể: Đợt 1 họp trực tuyến 8,5 ngày (bắt đầu từ ngày 20 và kết thúc vào ngày 30/5). Quốc hội không họp phiên trù bị mà tiến hành khai mạc kỳ họp. Trong đợt này, đại diện Chính phủ báo cáo nhanh một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội (nếu có); nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8; thảo luận các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; giám sát chuyên đề. 

Quốc hội bố trí thảo luận mỗi nội dung nửa ngày, nếu còn nhiều đại biểu đăng ký phát biểu sẽ xem xét kéo dài thời gian; đồng thời, không bố trí thảo luận ở Tổ, tăng thời gian thảo luận tại phiên toàn thể đối với một số nội dung và khuyến khích đại biểu tăng cường góp ý kiến bằng văn bản.

Việc thảo luận, tranh luận: Đại biểu tại 63 điểm cầu đăng ký phát biểu qua đường dây nóng (gọi 080.41992 – 080.41993 và sẽ trượt tới 10 máy lẻ để tiếp nhận thông tin), bảo đảm việc đăng ký thông suốt, cập nhật liên tục vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu.

Việc biểu quyết thực hiện thông qua phần mềm biểu quyết cài đặt trên thiết bị di động do AIC cung cấp, kết quả biểu quyết sẽ được thể hiện trên màn hình phòng Diên Hồng.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn. 

Đợt 2 sẽ họp tập trung tại nhà Quốc hội trong 9 ngày (từ 10 đến 19/6). Quốc hội xem xét các báo cáo và quyết định một số vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; xem xét, quyết định chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế  - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thảo luận các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét, quyết định nhân sự khác (nếu có); biểu quyết thông qua luật đã được thảo luận ở đợt 1, nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Kỳ họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên: khai mạc/bế mạc; giám sát chuyên đề; thảo luận kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, Kỳ họp này cũng sẽ chú trọng các biện pháp để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện

Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành không chất vấn trực tiếp tại kỳ họp này. Cho rằng đây là kỳ họp đặc biệt, “trong cái khó, ló cái khôn”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tình huống này đặt ra cơ hội đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội một lần nữa, xem xét tiết kiệm được nhân sự, thời gian, tiền bạc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 9 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt và đây là cơ hội để Quốc hội đổi mới hoạt động. Đây cũng là Kỳ họp của đoàn kết dân tộc, hiệu triệu cả đất nước sau chống dịch tập trung sức để phục hồi kinh tế, xây dựng phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kỳ họp này tuy không chất vấn trực tiếp tại hội trường nhưng quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội vẫn thực hiện, có thể chất vấn bằng văn bản và các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời theo quy định của Luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, mặc dù không tổ chức tiếp xúc cử tri tập trung nhưng việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri vẫn được tiến hành thông qua nhiều hình thức linh hoạt, thông qua nhiều kênh trong đó có thông tin báo chí là rất quan trọng; giao Mặt trận tổ quốc và Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các địa phương căn cứ tình hình thực tế có hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội cho hay việc họp tập trung trong tháng 6 sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực