|
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 12/2. (Ảnh: Xinhua) |
Theo thống kê của AFP, trong tuần này, số các ca nhiễm mới tiếp tục giảm, chỉ ở mức trung bình 412.700 ca được ghi nhận một ngày, trái ngược với mức kỷ lục 743.000 ca mới một ngày được ghi nhận trong tuần 5-11/1. Số các ca nhiễm mới hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020.
Hãng thông tấn Pháp dẫn lời nhà dịch tễ học Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Geneva, khẳng định "số các ca mắc mới giảm gần như ở mọi nơi trên thế giới". Tuy nhiên, ông cũng lưu ý về nguy cơ dịch bùng phát trở lại nếu các chính phủ lặp lại "những sai lầm trong quá khứ", khi nhắc lại hậu quả của việc dỡ bỏ phong tỏa quá sớm vào mùa hè năm ngoái ở châu Âu.
Theo số liệu của AFP, trong tuần qua, ca mới giảm 24% ở Mỹ và Canada, 20% ở châu Phi, 18% ở châu Á, 15% ở châu Âu, 10% ở Mỹ Latinh và Caribe, 2% ở Trung Đông. Trong khi Châu Đại Dương chỉ ghi nhận trung bình 12 trường hợp mỗi ngày.
Trong tuần này, các quốc gia ghi nhận mức giảm ca mới cao nhất là những nước đang áp đặt phong tỏa. Ở Bồ Đào Nha, ca mới giảm 54% trong khi con số này ở Israel là 39%. Từ ngày 7/2, Israel đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa. Đây cũng là nước triển khai chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới – với 44% dân số đã tiêm một liều và 28% đã tiêm hai liều vaccine.
Tây Ban Nha là nước ghi nhận mức giảm số ca nhiễm mới COVID-19 đứng thứ ba thế giới, với 39%, tiếp theo là Nam Phi (37%), Colombia (35%) và Nhật Bản (35%).
Hiện Mỹ vẫn là nước ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất, với trung bình 101.800 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, con số này giảm gần 1/4 trong tuần qua.
Trong khi đó, ba nước châu Âu là Pháp, Tây Ban Nha và Anh cũng báo cáo số ca nhiễm mới “khiêm tốn nhất” trong tuần qua, với lần lượt 18.900; 18.300 và 15.200 trường hợp.
Còn theo số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 13/2, đã có 80.721.241 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 25.448.400 ca bệnh đang điều trị thì có 25.498.731 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 99.432 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sau nhiều ngày liên tiếp, Mỹ, Ấn Độ, Brazil vẫn là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 421.792 ca mắc và 12.313 ca tử vong vì đại dịch COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng hôm nay (13/2) lần lượt là 108.711.974 và 2.392.570 trường hợp. Tuy số các ca mắc mới và tử vong vẫn tiếp tục tăng, song đã giảm lần lượt khoảng 12.000 ca và 500 ca so với số liệu ghi nhận được trong sáng ngày 12/2.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu hiện là 32.998.995 trường hợp, trong đó có 760.799 ca tử vong và 18.658.614 ca được điều trị khỏi. Trong khi đó, số các ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được ở Bắc Mỹ, châu Á, Nam Mỹ, châu Phi… lần lượt là 32.178.027; 23.911.663; 16.808.671; 3.753.364… trường hợp.
Ngày 12/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định mọi giả thuyết đều vẫn để ngỏ trong cuộc điều tra của cơ quan này về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Trước đó, ngày 9/2, phái đoàn gồm các chuyên gia của WHO và Trung Quốc đang điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Vũ Hán, cho biết không có dấu hiệu cho thấy virus này xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trước tháng 12/2019, khi ca nhiễm đầu tiên được chính thức ghi nhận./.