Số người mắc COVID-19 trên thế giới sắp đạt mốc 110 triệu

Thứ ba, 16/02/2021 09:28
(ĐCSVN) – Đến sáng 16/2, thế giới có tổng số 109.669.584 ca nhiễm và 2.418.211 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 262.941 ca nhiễm và 6.573 ca tử vong mới. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
 Xu hướng tăng số ca mắc COVID-19 trên thế giới dần ổn định và giảm trong những ngày qua (Ảnh minh họa: Europe1)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 16/2, đã có 84.203.002 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 22.895.769 ca bệnh đang điều trị, có 22.950.675 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 97.696 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm 52.785 ca nhiễm, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (32.197 ca) và Nga (14.207 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 954 ca, sau đó là Brazil (601 ca) và Mexico (436 ca).

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục gia tăng, khiến khu vực này có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, với tổng số 32.433.658 ca, trong đó có 718.938 ca tử vong và 21.711.002 ca được điều trị khỏi. Với 28.317.703 ca nhiễm và 498.203 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 1.992.794 và 826.924 ca nhiễm, cùng 174.207 và 21.311 ca tử vong vì COVID-19.

Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 82.474 ca nhiễm và 2.681 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Nga, Anh và Pháp là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 4.086.090; 4.047.843 và 3.469.539 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 117.396 ca, sau khi có thêm 230 ca trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (93.835 ca) và Pháp (82.226 ca).

Với 24.094.522 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 16/2, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 386.440 ca đã tử vong do COVID-19 và 22.646.514 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 10.925.311; 2.594.128 và 1.526.023 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 155.840; 27.562 và 59.028 ca.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 48.547 ca nhiễm và 1.244 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 16.978.375 ca và 443.281 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 32.197 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 9.866.710 vào thời điểm hiện tại. Với 601 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Colombia với 181 ca tử vong mới, và Peru với 177 ca tử vong mới do COVID-19..

Tính đến sáng 16/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.785.677 ca, trong đó có 99.075 ca tử vong và 3.317.277 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.492.909 ca nhiễm và 48.094 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.102 ca nhiễm mới và 195 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 478.595 và 223.549 ca nhiễm bệnh cùng 8.491 và 7.575 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 50.587 ca nhiễm (tăng 38 ca) và 1.080 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 2 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 28.900 ca, trong đó 909 ca tử vong.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển vaccine ngừa COVID-19 ngày càng được tăng cường. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chấp thuận việc sử dụng khẩn cấp 2 loại vaccine của hãng dược AstraZeneca, qua đó cho phép khởi động việc phân phối những vaccine này tới một số quốc gia nghèo nhất thế giới thông qua cơ chế COVAX (chương trình phân phối công bằng vaccine của WHO). Hai loại vaccine được phê duyệt nói trên hiện đang được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và tại Hàn Quốc. Ngoài 2 phiên bản vaccine nói trên, đến nay mới chỉ có vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech được WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp.

Ngày 16/2, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết thông qua cơ chế COVAX và các hợp đồng riêng lẻ mà Hàn Quốc đã ký với các hãng dược phẩm nước ngoài, nước này có thể đảm bảo nguồn vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 79 triệu người (dân số Hàn Quốc hiện khoảng 52 triệu người).

Bộ Y tế Zimbabwe thông báo nước này đã nhận được một lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng dược Sinopharm từ Trung Quốc, là quốc gia đầu tiên ở khu vực Nam châu Phi nhận được vaccine của Sinopharm. Lô vaccine này gồm 200.000 liều, do Chính phủ Trung Quốc tài trợ./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực