Tăng cường các giải pháp khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn

Thứ sáu, 18/03/2016 06:03
(ĐCSVN) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, do ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn, một số diện tích cây trồng vụ Đông Xuân 2015-2016 đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dự báo, hiện tượng này có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến vụ Hè Thu năm 2016.


Do tác động của hạn hán, diện tích lúa ở nhiều địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng (Ảnh minh họa: HN)

Thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ở khu vực Nam Trung bộ, hiện tại, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi từ Đà Nẵng đến Phú Yên đạt từ 60-80% dung tích thiết kế (DTTK); trong đó riêng các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ đạt 30-50% DTTK. Do lượng nước của các hồ chứa bị thiếu hụt, một số tỉnh đã bị ảnh hưởng của hạn hán ngay từ vụ Đông Xuân 2015-2016. Hiện nay, đã có gần 23.000ha đất lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước, gồm: Khánh Hòa 1.800 ha, Ninh Thuận 5.770 ha (chiếm khoảng 30% diện tích canh tác trong điều kiện không bị hạn hán), Bình Thuận 15.400ha (chiếm 45% diện tích canh tác), trong thời gian tới, sẽ có khoảng 3.000 ha lúa và cây lâu năm ở tỉnh Bình Thuận bị thiếu nước.

Theo dự báo, hạn hán sẽ tiếp tục kéo dài đến vụ Hè Thu 2016, dự kiến ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ có khoảng 40.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất (Khánh Hòa 10.000 ha, Ninh Thuận 10.000 ha, Bình Thuận 20.000 ha). Tình trạng hạn hán, thiếu nước cho cây trồng sẽ ảnh hưởng đến các địa phương khác trong khu vực.  

Ở khu vực Tây Nguyên, hiện tại, các hồ chứa thủy lợi đang có dung tích trữ thấp hơn thiết kế, đạt từ 50-60% DTTK, nhiều hồ thấp hơn cùng kỳ năm 2015, có khoảng 60 hồ chứa nhỏ ở tỉnh Đắk Lắk đã cạn nước. Hiện nay, diện tích được tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi chỉ được 30% diện tích canh tác. Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích bị hạn hán, thiếu nước gần 150.000 ha (Đắk Lắk 70.000 ha, Lâm Đồng 45.000 ha, Đắk Nông 22.000 ha, Kon Tum 5.000 ha,...); trong đó, riêng cây cà phê bị hạn khoảng 100.000 ha.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống dân sinh của 10/13 tỉnh thành phố trong khu vực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, về trồng trọt, tổng diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay là gần 160.000 ha; trong đó, 86.000 ha thiệt hại trên 70% năng suất, 43.000 ha thiệt hại từ 30-70% năng suất và 29.800 ha thiệt hại dưới 30% năng suất. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều gồm Kiên Giang 54.093 ha, Cà Mau 49.343 ha, Bến Tre 13.844 ha, Bạc Liêu 11.456 ha.

Đối với vụ Hè Thu 2016, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6/2016, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000 ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích của các tỉnh ven biển và khoảng gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực. 

Về nước sinh hoạt, hiện nay ở khu vực Nam Trung bộ, tình hình hạn hán đã làm khoảng 31.000 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt, nặng nhất gồm: Bình Thuận 25.000 hộ, Ninh Thuận 5.500 hộ. Ở khu vực Tây Nguyên, đã có gần 17.600 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt, gồm: Đắc Lắk 5.300 hộ, Gia Lai 3.580 hộ, Lâm Đồng 1.080 hộ; thời gian tới, dự báo sẽ có khoảng 43.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, nặng nhất là Đắc Lắk 25.000 hộ, Đắc Nông 9.000 hộ, Lâm Đồng 4.000 hộ.

Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình chống hạn, xâm nhập mặn

Nhằm khắc phục tình trạng hạn hán đang diễn ra nghiêm trọng, tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đã ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình như: Hồ la Mlá (tỉnh Gia Lai), hồ Ka La, Đắc Lông Thượng (tỉnh Lâm Đồng), hồ Ea Súp Thượng, Krông Buk Hạ (tỉnh Đắc Lắk). Đồng thời, đang triển khai thi công hệ thống thuỷ lợi Ia Mơr (tỉnh Gia Lai), hồ chứa nước Krông Pách Thượng (tỉnh Đắc Lắk).

Đối với cây lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với trà Đông Xuân muộn đang ở giai đoạn làm đòng đến trỗ, ở vùng nhiễm mặn trên 3g/lít, cần tranh thủ thời gian có nước ngọt để tích tối đa vào các kênh mương để cấp nước tưới; vùng nhiễm mặn dưới 3 g/lít, cần tranh thủ tưới, nhất là giai đoạn lúa trỗ. Với vụ Hè Thu, vùng cách biển dưới 50 km tuyệt đối không xuống giống, vùng cách biển từ 50-80 km có thể xuống giống và sử dụng các giống ngắn ngày chịu mặn và áp dụng một số biện pháp kỹ thuật khác như: Cày phơi đất, tăng cường bón phân hữu cơ; vùng cách biển trên 80 km có thể gieo cấy bình thường.

Về các giải pháp cấp bách cần thực hiện trong thời gian tới, theo Bộ NN&PTNT, cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, phục vụ chỉ đạo, điều hành cấp nước cho sản xuất và dân sinh. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn, lịch xả nước từ các hồ chứa thủy điện, các chuyên đề hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm phòng chống hạn hán để nhân dân biết và chủ động phòng, tránh; đồng thời có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần rà soát cập nhật cân đối nguồn nước để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý; trong đó, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản,... khi hạn hán xảy ra. Điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội. Xây dựng kế hoạch tích nước và điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du vào những thời kỳ khô hạn, cần cân đối để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cho cả năm 2016; đề nghị các nước thượng nguồn sông Mê Kông điều tiết các hồ chứa để bổ sung nước đẩy mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm cấp nước sinh hoạt cho người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng mặn mà không thể cấp nước bằng công trình tập trung, cần cung cấp trang, thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho các hộ gia đình như: hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, máy lọc nước hộ gia đình, hóa chất xử lý nước. Đồng thời, kéo dài tuyến ống của những công trình cấp nước tập trung để cấp cho những khu vực xung quanh đang bị thiếu nước. Khoan các giếng khoan tầng sâu để thay thế tạm thời nguồn nước mặt bị nhiễm mặn ở những vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.

Về các giải pháp lâu dài, cần thực hiện rà soát quy hoạch thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, cấp nước sinh hoạt... nhằm thích ứng với thời tiết cực đoan và điều kiện nguồn nước. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng công trình, phi công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Thêm vào đó, nâng cao năng lực dự báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm chủ động ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan./.

Bùi Thủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực