Tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

Thứ tư, 23/10/2019 20:53
(ĐCSVN) - Chiều 23/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), bên cạnh các ý kiến về mở rộng khung giờ làm thêm, các đại biểu Quốc hội cũng góp ý về các vấn đề khác như: Giảm giờ làm chính thức từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu và tăng thêm ngày nghỉ trong năm.
Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Góp ý vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đa số đại biểu đề nghị nên mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động/khu vực phi chính thức do là nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động.      

Góp ý vào quy định về tuổi nghỉ hưu, nhiều đại biểu tán thành với phương án, kể từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ. Đại biểu Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông), đại biểu Hoàng Văn Hùng, (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, phương án này phù hợp với cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. 

Tuy nhiên, với những công việc ngành nghề độc hại, nguy hiểm nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn cần được đánh giá phân loại danh mục chi tiết các ngành nghề để quy định việc giảm tuổi nghỉ hưu đối với người lao động cho phù hợp với thực tiễn sức khỏe của người lao động và không giảm trừ lương hưu. Đại biểu Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông) cho rằng: Mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét các yếu tố đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. 

Đại biểu Võ Đình Tín, đoàn Đắk Nông 

Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật…Giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Đối với quy định giảm giờ làm chính thức từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, đa số đại biểu cho rằng việc giảm thời gian làm việc bình thường xuống 44 giờ/tuần chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay. Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) phân tích: Năng suất lao động Việt Nam hiện nay vẫn đang ở thứ hạng thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nếu cắt giảm thời giờ làm việc bình thường các doanh nghiệp sẽ phải bố trí thêm giờ làm hoặc tuyển dụng thêm nhân lực để bù đắp cho phần sản lượng giảm đi. Do đó, chi phí sản xuất và nhân công sẽ tăng. Các doanh nghiệp nếu không chịu được áp lực sẽ phải thu hẹp sản xuất, chuyển sang các nước khác có chi phí nhân công cạnh tranh hơn. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động Việt Nam nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Do đó, tôi nhất trí với quy định của dự thảo bộ luật về thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần.

Cho rằng, số ngày nghỉ lễ ở nước ta còn ít, các đại biểu đề xuất nghỉ thêm từ 1 đến 3 ngày trong năm. Đại biểu Triệu Tuấn Hải (đoàn Lạng Sơn) đề nghị bổ sung thêm cùng với Ngày gia đình Việt Nam 28/6 dương lịch một ngày nghỉ nữa là ngày 5/9 dương lịch ngày khai giảng năm học mới. ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. nhằm giúp người lao động có thời gian chăm lo gia đình. Đồng thời cũng phù hợp với quy định toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục được quy định tại Luật giáo dục sửa đổi.

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) 

Nhận định Dự thảo luật lao động (sửa đổi) lần này bao trùm hơn và mang tính hội nhập hơn, nhưng đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị bổ sung thêm những quy định về bữa ăn ca của công nhân tại nơi làm việc. Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, hiện nay tại nhiều doanh nghiệp đang thực hiện bữa ăn ca do doanh nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên khẩu phần bữa ăn ca tại nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo về dinh dưỡng để tái tạo sức lao động, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm. Thực tế đã xảy ra tình trạng người lao động suy dinh dưỡng sau thời gian dài ăn ca do doanh nghiệp cung cấp. Đề nghị Quốc hội quan tâm xem xét bổ sung thêm nội dung này vào trong dự thảo bộ luật và quy định cụ thể về việc sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả và đảm bả chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn ca cho người lao động theo hướng quy định các mức tiền tối thiểu chi cho bữa ăn ca tương ứng với mức độ lao động nặng nhọc của các nhóm ngành nghề.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết:  Về tuổi nghỉ hưu cho nhóm nghỉ hưu sớm, Bộ đã tiến hành xác định hơn 1.800 ngành nghề trong lĩnh vực lao động nặng nhọc và độc hại, với số lượng khoảng hơn 3 triệu người. Với điều kiện làm việc như vậy, đây là số người lao động thuộc nhóm nghỉ hưu sớm có thể là 10 năm. Liên quan đến quy định giảm thời gian làm việc chính thức từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Đây là vấn đề lớn, tác động đến tất cả các chủ thể như, người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, nhà nước và có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách và nền kinh tế nên cần phải được nghiên cứu và lượng hóa cụ thể. Việc này cần nghiên cứu và đưa ra thời điểm thích hợp để giảm giờ làm việc chính thức trong thời gian tới.

Sáng mai (24/10), Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức./.


Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực