Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018
và 3 năm thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016-2020
Tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, ngày 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016-2020. Theo các đại biểu, để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, giải quyết những bức xúc trong xã hội cần tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, tinh giản biên chế và giải quyết những khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá cao chủ trương về tinh giản biên chế thời gian qua, các đại biểu đã nêu những con số ấn tượng: 3 năm qua đã sắp xếp 15 vụ thuộc bộ, giảm hơn 86.000 biên chế, trong đó có hơn 12.000 công chức... Nhiều địa phương đã sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chức năng chồng chéo lâu nay, giảm bớt, sáp nhập các sở ngành, thí điểm sáp nhập 3 văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND và UBND… Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu), bộ máy công quyền vẫn còn cồng kềnh, kém hiệu quả. Chính phủ cần đẩy mạnh quyết tâm trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu)
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, đến nay việc sắp xếp, đổi mới, tổ chức lại bộ máy diễn ra còn chậm, bộ máy cả nước còn cồng kềnh, việc tinh giản biên chế vẫn chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, chưa tinh giản được đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực, đạo đức kém. Ngân sách hàng năm dành cho chi trả lương vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Tôi đồng ý với quan điểm rằng quyết tâm đã lên cao, hành động phải quyết liệt từ trung ương tới địa phương.”
Cùng với việc tinh gọn bộ máy, vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm nhiều thủ tục không cần thiết thời gian qua được các đại biểu đánh giá cao. Đặc biệt trong việc xử lý thủ tục hành chính qua bộ phận một cửa một cửa liên thông tại các trung tâm hành chính công các tỉnh đã góp phần giảm thời gian chờ đợi, giảm bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) hiện các thủ tục hành chính vẫn còn những rườm rà và thiếu đồng bộ.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng, tuy có những chuyển biến bước đầu nhưng chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, trong cải cách hành chính vẫn còn sự chồng chéo, xung đột giữa pháp luật và chính sách, giữa nền hành chính công và tài chính công vẫn là những rào cản cho chủ đầu tư. Cùng với sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn bất cập của các bộ ngành, địa phương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân vẫn gặp không ít khó khăn, phiền hà khi trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ, quyền lợi, kiến nghị của mình. Cần quan tâm đồng bộ hơn.
Nhắc tới vụ việc phạt hành chính tại Cần Thơ mà cơ quan công an phải họp báo để thông tin, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho rằng khâu tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua còn chưa được chú trọng. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng nêu rõ các vướng mắc của địa phương về thủ tục hành chính vẫn chủ yếu là các lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng, tài chính, xử lý vi phạm hành chính… Khi địa phương xin ý kiến các bộ, ngành để giải quyết lại phải chờ hướng dẫn quá lâu, nên không kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh, gây mất cơ hội cho doanh nghiệp, gây bức xúc, phức tạp trong xã hội. Năm 2017 có trên 5.600 văn bản trái pháp luật bị thu hồi, hủy bỏ, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng việc ban hành văn bản của các cơ quan công quyền, cơ quan quản lý còn nhiều sai sót.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An)
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung kiến nghị, với những quy định quan trọng liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân cần phải lấy ý kiến rộng rãi. Cách lấy ý kiến phải thực chất, đánh giá tác động một cách sâu sắc, chặt chẽ, cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp. Cơ chế giải trình, tuyên truyền từ giai đoạn soạn thảo, như đã nghe một vụ xử phạt hành chính 90 triệu đồng của một người dân đổi 100 USD tại một cửa hàng kinh doanh vàng bạc mà không được cấp giấy phép đổi ngoại tệ. Khi vào cuộc khảo sát đa số người dân không biết đến quy định cụ thể này. Một vụ việc phạt hành chính mà công an phải họp báo là việc xưa nay hiếm.
Về những bất cập trong sản xuất kinh doanh trong nước kém sức cạnh tranh, đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, về thương mại kinh tế biển, chi phí vận tải, kho bãi (logistics) gần gấp đôi so với các nền kinh tế và cao hơn mức bình quân toàn cầu. Điều đó có nguyên nhân từ hạ tầng giao thông phát triển thiếu cân bằng, đồng bộ giữa đường bộ với các loại hình vận tải khác. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị cho bắc cầu nối từ cảng biển nối giữa cao tốc Bến Lức – Long Thành với cụm cảng biển; đề nghị sớm triển khai cao tốc Biên Hòa - Đồng Nai đi qua Quốc lộ 51; và quốc lộ 991b. Tổng cộng 3 công trình này có giá trị là 15.000 tỷ đồng. Đại biểu Dương Minh Tuấn phân tích: Nếu bỏ ra 15.000 tỷ thì hệ thống kết nối sẽ đồng bộ hơn, chi phí giảm hoặc tương đương sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế...
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh)
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) còn cho biết chi phí kho bãi bị đội lên cao gây giảm hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, gây hạn chế năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế và gây hụt thu ngân sách:
Đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, 3 khu vực kinh tế hiện nay không có đóng góp cho ngân sách như kế hoạch đề ra rất rõ, do cơ cấu chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay của doanh nghiệp tăng cao mà chưa có những giải pháp về mặt vĩ mô để có thể làm giảm chi phí này. Đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến vận tải, kho bãi còn tăng khá cao.
Về lĩnh vực nông nghiệp, các đại biểu đánh giá đã khắc phục được một số tồn tại, xuất khẩu và giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tăng cao. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lo lắng về tình trạng thiếu định hướng trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng rủi ro, thiên tai, thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định... Trong đó đáng chú ý là vẫn chưa kết nối hiệu quả thông suốt giữa sản xuất với tiêu thụ nên tình trạng được mùa mất giá năm nào cũng xảy ra, nhưng chưa có giải pháp căn cơ, hiệu quả giúp người dân tháo gỡ khó khăn.../.