Thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Chủ nhật, 10/06/2018 09:14
(ĐCSVN) - Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương đã có bài viết “Thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trong giới thiệu toàn văn bài viết này:

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cách đây đúng 70 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, động viên mọi lực lượng cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc, “làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công” theo tinh thần Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc ngày 27/3/1948 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Người nhấn mạnh: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa… Ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”. Lời kêu gọi của Bác đã động viên, cổ vũ và truyền thêm sức mạnh, thôi thúc mọi người dân Việt Nam phát huy tinh thần yêu nước, nêu cao ý chí cách mạng, ra sức thi đua chiến đấu giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, toàn dân hăng hái thi đua “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt”, “diệt giặc ngoại xâm”. Đồng bào ở hậu phương ra sức thi đua tăng gia sản xuất với tinh thần “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương[1]. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong công nhân diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi. Ngành quân giới thi đua sản xuất nhiều vũ khí phục vụ chiến trường. Ngành giáo dục thi đua xóa nạn mù chữ. Các chiến sĩ ở chiến trường thi đua giết giặc lập công… Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (năm 1952) với sự tham gia của 154 Chiến sĩ thi đua công, nông, binh và trí thức, đã tuyên dương các Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh; các Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Chiên, Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị. Đây là những Anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của quân và dân ta, đã tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng, động lực mạnh mẽ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Nhiều tấm gương quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh như: Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo…, góp phần đưa cuộc kháng chiến thống thực dân Pháp của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Trong thời kỳ này, Đảng, Nhà nước đã khen thưởng gần 30 nghìn Huân, Huy chương, kịp thời động viên các tập thể, cá nhân lập được nhiều chiến công trong lao động sản xuất và chiến đấu. 

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 -1975), thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước" (26/01/1961), các ngành, các cấp đã phát động nhiều phong trào thi đua, điển hình là: Phong trào thi đua trong nông nghiệp với lá cờ đầu là Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình); Phong trào thi đua trong công nghiệp với điển hình là Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng); Phong trào thi đua "Hai tốt" trong giáo dục, đào tạo với điển hình là Trường Phổ thông Cấp II Bắc Lý (Hà Nam). Các phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất”, “Tay búa, tay súng”; “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Ba đảm đang”... được dấy lên rộng khắp. Từ tháng 2/1965 đến tháng 4/1965 đã có 2,5 triệu nam, nữ thanh niên miền Bắc hăng hái tình nguyện “Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần” và 1,7 triệu chị em phụ nữ phấn đấu đạt danh hiệu “Phụ nữ ba đảm đang”… Các phong trào thi đua “bám đất giữ làng”, “thi đua ấp Bắc, giết giặc lập công”, “bám thắt lưng địch mà đánh”... phát triển sâu rộng ở miền Nam. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, các anh hùng, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt xe tăng, những tấm gương hi sinh anh dũng. Từ năm 1955 đến năm 1975, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng hơn 72 nghìn Huân, Huy chương; Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời đã khen thưởng gần 860 nghìn Huân, Huy chương cho quân và dân miền Nam. 

Sau khi đất nước thống nhất, tinh thần thi đua theo lời kêu gọi của Bác tiếp tục được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ. Nội dung thi đua hướng vào thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong công cuộc đổi mới và hội nhập, các phong trào thi đua đã từng bước bắt kịp với những thay đổi của đất nước gắn với nhiệm vụ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nội dung và phương pháp thi đua được đổi mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. 

Trong những năm qua, các phong trào thi đua được phát động sâu rộng và toàn diện, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cổ vũ, động viên các cấp, các ngành và nhân dân cả nước phấn đấu thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng. Các phong trào thi đua được phát động theo từng nội dung, lĩnh vực cụ thể, phù hợp với yêu cầu và định hướng phát triển của đất nước, điển hình là các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Xóa đói, giảm nghèo, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”... Các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng ở mức khá cao. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả quan trọng. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ có bước phát triển. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đạt kết quả quan trọng. Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được cải thiện. Sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng lên. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Cải cách hành chính có nhiều tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Chính trị - xã hội ổn định. Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng lên. 

Trong giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra là rất nặng nề; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Thấm nhuần và phát huy tinh thần thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau: 

Một là,
tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tư tưởng thi đua yêu nước của Bác, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tác dụng to lớn của thi đua yêu nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đưa phong trào thi đua thực sự trở thành trách nhiệm thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, của mỗi đơn vị, tập thể và ý thức tự giác của mỗi cá nhân. 

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chương trình và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, cấp, ngành, hướng phong trào thi đua vào những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, những khâu khó, việc khó, đặc biệt tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trọng tâm, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế  - xã hội hàng năm và kế hoạch 05 năm 2016 - 2020. Gắn kết phong trào thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; chú trọng nâng cao chất lượng các phong trào thi đua. 

Ba là, thông qua các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện các điển hình, nhân tố mới, các tấm gương người tốt, việc tốt, để động viên, khen thưởng và nhân rộng. Việc khen thưởng cần bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, chính xác, có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương. Chú trọng khen thưởng tập thể, cá nhân người lao động trực tiếp; khen thưởng đột xuất cho cá nhân có hành động dũng cảm cứu người, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; quan tâm vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... 

Bốn là, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Đổi mới hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; khắc phục nhanh những hạn chế, bất cập; nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. 

Thực hiện mong ước của Bác Hồ kính yêu xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức đồng lòng, tích cực tham gia các phong trào thi đua, thể hiện tinh thần thi đua ái quốc trong từng hành động cụ thể, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội sau đây: 

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đổi mới mô hình tăng trưởng, kết hợp hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế. Tập trung cơ cấu lại đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước.  Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, hình thành được các tập đoàn kinh tế có tiềm lực mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. 

Thứ hai, phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội. Nâng cao mức sống người có công, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển thị trường lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số. Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, khắc phục các biểu hiện xuống cấp về đạo đức xã hội. 

Thứ ba,
chủ động ứng phó, nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư các công trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, ngập úng đô thị. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản, nhất là đất đai, tài nguyên nước. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm. Khắc phục có hiệu quả ô nhiễm môi trường do chiến tranh để lại. Hạn chế, tiến tới ngăn chặn căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, lưu vực sông, khu và cụm công nghiệp, khu đô thị và khu dân cư tập trung ở nông thôn; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, nâng cao chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân. 

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả và nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp theo tinh thần “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

Thứ năm, tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng xã hội kỷ cương, an toàn. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế; giữ gìn hòa bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Sau 70 năm, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tich Hồ Chí Minh vẫn mang ý nghĩa và giá trị thời sự sâu sắc. Học tập và làm theo tư tưởng của Người về thi đua ái quốc, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phát huy truyền thống yêu nước, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa phong trào thi đua yêu nước lên tầm cao mới, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./. 

[1]: Trích Thư gửi Nông dân thi đua canh tác (tháng 2/1951) của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Xuân Phúc 

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ

Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực