Tháo gỡ "nút thắt" cản trở khu kinh tế, khu công nghiệp phát triển

Thứ tư, 18/10/2023 17:10
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra nhiều “nút thắt” hạn chế sự phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp liên quan đến: quy hoạch; hạ tầng giao thông và kết nối đồng bộ; liên kết vùng; lao động và an sinh xã hội; vấn đề môi trường; hiệu quả sử dụng đất…

Sáng 19/10, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo Chuyên đề “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”. Hội thảo do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đồng chủ trì.

Đây là một trong 3 hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.

 Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: KT)

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cho biết, kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm tiếp tục được duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa đạt như kỳ vọng. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 4,24% khiến cho mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải chung tay tháo gỡ những nút thắt, tìm ra những động lực mới để thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

“Một trong những giải pháp đó là tăng cường thúc đẩy phát triển các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Từ đó, thu hút các nguồn lực về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế, chính sách mới kỳ vọng tạo đột phá” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh.

Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Tại Hội thảo, các chuyên gia đều nhận định, trong 30 năm hình thành và phát triển, các KKT, KCN, CCN đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đến nay, cả nước có 407 KCN, 18 KKT, ven biển, 26 KKT cửa khẩu tại 61/63 tỉnh, thành phố, thu hút trên 21 nghìn dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký khoảng 340 tỷ USD, đóng góp 11,7% tổng thu NSNN (không bao gồm dầu thô), giải quyết việc làm hơn 3,9 triệu người, tương đương 8,3% lực lượng lao động cả nước.

Tuy nhiên, so với nhiều nước trên khu vực, công tác đầu tư phát triển các KKT, KCN, CCN ở nước ta vẫn đang trong giai đoạn đầu còn gặp nhiều khó khăn và thách thức cũng như chưa đạt dược nhiều thành quả tương xứng.

Đi sâu vào các vướng mắc, TS Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II chỉ ra nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ để phát huy hết hiệu quả, vai trò của các KKT, KCN. 

“Nút thắt” đầu tiên, theo ông là về vấn đề quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, còn mang tính cục bộ, chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi ích của quốc gia. Quy hoạch còn thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn về phát triển trong nền kinh tế; trong mối tương quan với các ngành kinh tế khác, với vùng và với xã hội. KKT, KCN được quy hoạch khá dàn trải theo địa giới hành chính, chưa bám sát yêu cầu thực tiễn, định hướng và khả năng thu hút đầu tư, lợi thế cạnh tranh của địa phương và hiệu quả sử dụng nguồn lực (đất đai, tài nguyên, nhân lực...), dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. 

Cùng với đó, việc phát triển các KKT, KCN hiện nay chưa đáp ứng được tính liên kết vùng, chỉ xuất hiện một số mô hình hợp tác sản xuất đơn lẻ trong KKT, KCN như: Sản xuất linh kiện và lắp rắp ô tô trong KKT mở Chu Lai (Quảng Nam), sản xuất điện thoại di động trong một số KCN tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên… tác động chưa nhiều đến sản xuất công nghiệp địa phương, rất khó để doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI.

“Nút thắt” khác được TS Lê Đình Thăng chỉ ra là sự khác biệt trong chính sách ưu đãi giữa các địa phương cũng là một nút thắt.  Các địa phương và nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KKT, KCN vẫn tập trung phát triển theo “chiều rộng”, thu hút mạnh nhà đầu tư thứ cấp; chưa thực sự chú trọng phát triển theo “chiều sâu” hướng tới cơ cấu ngành nghề có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường.

Về hiệu quả sử dụng đất, theo ông tỷ lệ lấp đầy của các KCN chỉ ở mức 57,2 % (năm 2022) là tương đối thấp, ngoài ra Tỷ suất thu hút đầu tư trung bình của dự án đầu tư trong KCN30 là 4,61 triệu đô la Mỹ/ha đất công nghiệp đã cho thuê. Tỷ lệ này tuy có gia tăng qua các thời kỳ nhưng vẫn tương đối thấp. “Qua kết quả kiểm toán cho thấy, một số KKT, KCN gặp khó khăn trong thu hút dự án đầu tư thứ cấp tại phần đất đã xây dựng hạ tầng; một số địa phương chưa quyết liệt trong việc thu hồi diện tích đất chưa sử dụng hoặc dự án không thực hiện đúng cam kết, dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai…” – ông nói.

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng việc phát triển KCN, KKT còn phải đối mặt với một số thách thức. Cụ thể như loại hình phát triển của các KCN, KKT chậm được đổi mới; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết, hợp tác trong KCN, KKT, giữa các khu với nhau và giữa KCN, KKT với khu vực bên ngoài còn hạn chế.

Thách thức nữa là vấn đề phát triển bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội trong phát triển KCN, KKT đã được đặt ra nhưng kết quả thực hiện khác nhau và không đồng đều giữa các địa phương; tổ chức bộ máy cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với KCN, KKT ở trung ương và địa phương chậm được kiện toàn, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…

Cần luật điều chỉnh hoạt động KKT, KCN

Kiến nghị các giải pháp để góp phần tháo gỡ, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho các KKT, KCN, ông Lê Thành Quân cho rằng cần xây dựng Luật điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT và mô hình khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế chính sách vượt trội về cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng...; các thiết chế giải quyết tranh chấp và thực thi; quy định đảm bảo phát triển đồng bộ và bền vững về kinh tế - môi trường - xã hội... phù hợp với đặc thù của từng mô hình, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ với khu vực khác. 

Đặc biệt, cần đổi mới mô hình KCN, KKT hiện tại và phát triển một số mô hình KCN, KKT mới theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn; lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai, trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, start-up được hình thành và phát triển; dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...

Cũng theo ông Lê Thành Quân, cần thu hút đầu tư có chọn lọc vào KCN, KKT, chủ động tiếp xúc, bám sát các Tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên; có cơ chế riêng trong xúc tiến các dự án công nghệ hiện đại, có cam kết chuyển giao công nghệ, lan tỏa kiến thức, mở rộng thị trường, phát triển chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi tại Hội thảo (Ảnh: KT)

Từ những bất cập, hạn chế được chỉ ra qua quá trình kiểm toán, TS Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển KKT, KCN nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KKT, KCN.

"Cần đảm bảo các mục tiêu: Tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về KKT, KCN. Hiện nay, để quản lý các KKT chỉ có Nghị định của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất, trong khi các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, về đầu tư, đất đai, công tác bảo vệ môi trường được quy định tại các Luật chuyên ngành, do đó, có thể xem xét ban hành Luật chuyên ngành quy định về hoạt động của các KKT, KCN" - ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Lê Đình Thăng cho rằng, quy hoạch và phát triển KKT, KCN phải bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư, gắn với liên kết vùng, hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm, bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững. Chú trọng đầu tư nhiều hơn cho khâu quy hoạch do những sai sót, bất cập ngay từ khâu quy hoạch dẫn đến các hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển các KKT, KCN. Xem xét quy hoạch phát triển các KKT, KCN đồng bộ với quy hoạch tổng thể, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất.

Ưu đãi đầu tư phù hợp, đẩy mạnh thu hút đầu tư; trong đó các chính sách thúc đẩy sự phát triển của các loại hình KKT, KCN mới; hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn xây dựng, phát triển các KKT, KCN và hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc đối tượng được ưu đãi có thể tiếp cận nguồn lực đất đai dễ dàng hơn và với chi phí thấp hơn. Cần đa dạng hóa, linh hoạt và sáng tạo trong ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các KKT, KCN.../.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực