|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại quận Đại Hưng, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 22/2 cho thấy, hiện toàn thế giới có 87.314.361 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 97% tổng số ca mắc). Trong số 22.157.235 ca bệnh đang điều trị thì có 22.067.640 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 93.920 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 33.143.492 trường hợp, trong đó có 791.080 ca tử vong và 22.629.677 ca được điều trị khỏi. Dịch bệnh tại khu vực này vẫn tiếp tục lây lan dù chính phủ các nước đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine cho người dân.
Trước bối cảnh trên, Giáo sư kinh tế Lars Feld, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia kinh tế của chính phủ Đức (GCEE), cảnh báo các nguy cơ đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu trong năm nay do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời bày tỏ quan điểm phản đối việc nhanh chóng nới lỏng các biện pháp phong tỏa hiện được áp dụng. Trả lời phỏng vấn hãng tin DPA ngày 21/2, ông Feld cho biết do hậu quả của đại dịch COVID-19 cùng với sự lây lan mạnh của những biến thể mới, GCEE sẽ điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm nay. Ông Feld cho rằng một khi làn sóng lây nhiễm thứ ba bùng phát, mọi kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế đều không còn phù hợp. Trong khi đó, một số chuyên gia khác kêu gọi chính phủ Đức không nên kéo dài quá lâu tình trạng phong tỏa, bởi điều đó có thể gây hậu quả và trì hoãn sự phục hồi kinh tế.
Hiện Bắc Mỹ có 32.974.707 ca nhiễm bệnh, trong đó có 738.414 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều tháng chật vật chiến đấu với dịch bệnh, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, với tổng số 28.765.423 ca nhiễm và 511.133 ca tử vong vì COVID-19. Đứng thứ 2 là Mexico, với tổng cộng 2.038.276 ca nhiễm và 179.797 ca tử vong ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 845.652 ca nhiễm và 21.674 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 22/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 24.496.880 trường hợp, với 391.646 ca tử vong và 23.058.898 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.046.336 ca bệnh đang điều trị thì có 21.985 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 11.005.071 ca; tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 2.638.422 ca.
Trong những giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 521 ca nhiễm và 24 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 17.432.511 trường hợp, với 454.099 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Argentina, Peru… với lần lượt: 10.168.174; 2.226.262; 2.064.334; 1.283.309… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 22/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.854.676 trường hợp, trong đó có 101.477 ca tử vong và 3.395.724 ca bình phục. Trong tổng số 357.475 ca đang điều trị thì có 2.480 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.503.796 ca nhiễm COVID-19 và 49.053 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 10 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 3 ca ở Australia, 7 ca ở New Zealand. Hiện khu vực này ghi nhận 50.749 ca nhiễm và 1.084 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 28.929 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.346 ca.
Trong một nỗ lực nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, ngày 22/2, Australia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng với đối tượng tiêm chủng ưu tiên là các lực lượng tuyến đầu như nhân viên y tế, cảnh sát và những người sống trong các viện dưỡng lão. Dự kiến, trong tuần đầu tiên này, Australia sẽ tiêm chủng khoảng 60.000 liều vaccine. Theo các cuộc thăm dò dư luận, có tới 80% người dân Australia được hỏi đều cho biết sẵn sàng tiêm chủng./.