Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phòng chống thiên tai cần lấy phòng ngừa là chính

Thứ năm, 29/03/2018 17:10
(ĐCSVN) - Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn xã hội. Cần xã hội hóa nguồn lực, huy động nguồn lực của tư nhân cùng tham gia phòng chống thiên tai; quan tâm đến công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính...

 

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức ngày 29/3 tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cùng đại diện của lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai, ngày 29/3. (Ảnh: BT)

Bài học kinh nghiệm từ các địa phương

Là địa phương chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai trong năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, năm 2017, đã có 21 đợt thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh. Mặc dù đã nỗ lực phòng ngừa, ứng phó nhưng với tần suất cao, xảy ra trên diện rộng, thiên tai đã làm 53 người chết và mất tích, 33 người bị thương, 3.649 căn nhà bị hư hỏng, 23.100 con gia súc, gia cầm bị thiệt hại, phá hủy trên 500 công trình các loại.

Từ thực tiễn công tác ứng phó thiên tai, theo lãnh đạo tỉnh Yên Bái, cần làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân cần thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo, cảnh báo nguy cơ cao thiên tai có thể xảy ra, chỉ huy kịp thời công tác khắc phục hậu quả, ứng phó. Đặc biệt, cần thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của cấp ủy chính quyền cơ sở là nơi gần dân nhất và có mặt nhanh nhất tại cơ sở nhằm xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

Thanh Hóa cũng là địa phương chịu nhiều tổn thất bởi thiên tai trong năm 2017 khi ảnh hưởng của thiên tai làm 27 người chết, 2 người mất tích, 13 người bị thương, 272 nhà bị đổ, sập, trôi, 48.419 nhà bị ngập, ước giá trị thiệt hại khoảng 4.799 tỷ đồng. Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, rất cần thực hiện phương châm “phòng là chính”. Trong công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc việc tổ chức thực hiện ở cơ sở. Nhiệm vụ công tác này phải được làm thường xuyên, liên tục, toàn diện, nghiêm túc. 

Năm 2017, thiên tai diễn biến khốc liệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình đề xuất, cần sớm xây dựng một đề án mang tính tổng thể về ứng phó, khắc phục thiên tai cho các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó chú trọng hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai, hệ thống thông tin liên lạc nhằm đảm bảo ổn định đời sống, nơi ở an toàn và sinh kế bền vững cho nhân dân các dân tộc khu vực này.

Đồng thời, sớm phê duyệt đề án tái định cư, ổn định dân cư các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai; cấp kinh phí hỗ trợ các địa phương để nhanh chóng hoàn thành các dự án tái định cư trước mùa mưa lũ năm 2018. Xem xét triển khai ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ trong công tác cảnh báo sớm về thiên tai; nâng cao năng lực dự báo nhằm giúp các địa phương chủ động trong công tác ứng phó với thiên tai.

Cần lấy phòng ngừa là chính

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất. Điều này thể hiện rất rõ ở Việt Nam. Vì vậy, các cấp chính quyền cần nhận thức để có phương án chủ động phòng chống.

 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: BT)

Thủ tướng nêu rõ, trong công tác phòng chống thiên tai, chúng ta đã có nỗ lực nhưng thiệt hại vẫn còn lớn. Với 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới trong năm 2017 đã gây thiệt hại 60.000 tỷ đồng. Thủ tướng lưu ý, phải nhận thức thiên tai không đi theo quy luật nào và thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Để làm tốt hơn công tác phòng chống thiên tai, Thủ tướng cho rằng, công tác thể chế văn bản quy phạm pháp luật cần hoàn thiện tốt hơn để có hệ thống pháp luật tốt nhất, huy động được toàn xã hội và có biện pháp ứng xử, xử lý tốt hơn trong phòng chống thiên tai.

Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là khả năng chống chịu về cơ sở hạ tầng, năng lực quan trắc, dự báo còn nhiều vấn đề. Đặc biệt là nạn phá rừng đầu nguồn gây hoang hóa, khai thác cát quá mức ở các dòng sông gây gia tăng mức sạt lở.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị: Phòng chống thiên tai cần là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn xã hội. Trong đó, cần xã hội hóa nguồn lực, huy động nguồn lực của tư nhân cùng tham gia phòng chống thiên tai. Đồng thời, phòng chống thiên tai theo hướng quản lý rủi ro, quan tâm đến công tác phòng ngừa; muốn giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cần lấy phòng ngừa là chính.  

Nội dung phòng chống thiên tai cần được đưa vào kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế của cả nước; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phòng chống thiên tai theo cơ chế công - tư. Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần kết hợp với phòng chống thiên tai, quy hoạch sản xuất cần biến “nguy” thành “cơ”.

Thủ tướng yêu cầu bộ máy quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai cần phải giỏi, trách nhiệm phải cao, gắn trách nhiệm với quyền lợi người dân.

Cùng với đó, cần nâng cao năng lực điều hành. Trong đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban Chỉ đạo các cấp cần hoạt động liên tục, hiệu quả, chủ động; không chỉ mùa mưa lũ mới hoạt động; cần ứng dụng khoa học công nghệ và tham mưu, đề xuất giải quyết kịp thời.

Thủ tướng cũng đề nghị kỷ luật kỷ cương phải nghiêm, Chính phủ, các địa phương cần tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị cho phòng chống thiên tai. Truyền thông kịp thời hơn về phòng chống thiên tai, không để người dân chủ quan, không để bị động; đẩy mạnh đào tạo cán bộ từ xã đến Trung ương về công tác phòng chống thiên tai, vận động người dân cơ cấu lại sản xuất, chủ động ứng phó với thiên tai./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực