Kon Tum phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thứ năm, 16/05/2024 14:08
(ĐCSVN)- Thời gian qua tỉnh Kon Tum đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và đầu tư hạ tầng phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thay đổi mạnh mẽ bộ mặt đô thị, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
Một khu đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum. (Ảnh: kontum.gov) 

Đến nay, toàn tỉnh có 8 đô thị đã được công nhận. Trong đó, có 1 đô thị loại II là thành phố Kon Tum; 1 đô thị loại IV (thị trấn Plei Kần mở rộng thuộc huyện Ngọc Hồi); 6 đô thị loại V là thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei),  thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô), thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà), thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) và thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 trung tâm huyện (đô thị mới) bao gồm: Trung tâm huyện Tu Mơ Rông; trung tâm huyện Ia H’Drai; trung tâm huyện Kon Rẫy (khu vực xã Đăk Ruồng - Tân Lập thuộc huyện Kon Rẫy) đang đầu tư xây dựng để từng bước đạt các tiêu chí đô thị theo quy định.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Kon Tum, việc phát triển đô thị cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, dân cư giữa các vùng, khu vực đô thị và nông thôn theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quỹ đất xây dựng được bố trí phù hợp và sử dụng hiệu quả hơn; đặc biệt cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội được quan tâm đầu tư, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn các giá trị văn hóa với cải tạo và xây dựng mới các đô thị. Việc hình thành, phát triển hệ thống đô thị được thực hiện đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam và Quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 38%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 13,22%. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt 7,28 m2. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 23,01 m2/người. 100% các đô thị có quy hoạch chung; quy hoạch phân khu đạt khoảng 26%.

Cũng theo đánh giá của Sở Xây dựng Kon Tum, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 11 đô thị; trong đó, có 1 đô thị loại II (thành phố Kon Tum), 3 đô thị loại IV (huyện Ngọc Hồi, thị trấn Đăk Tô, thị trấn Đăk Hà), 7 đô thị loại V (gồm 4 đô thị hiện hữu là thị trấn Đăk Rve, thị trấn Măng Đen, thị trấn Sa Thầy, thị trấn Đăk Glei và thành lập mới 3 đô thị tại trung tâm các huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai) rất cần sự vào cuộc nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; xác định lộ trình, kế hoạch, nguồn lực thực hiện đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các đô thị và cải tạo, chỉnh trang các đô thị hiện có; đồng thời, hình thành mới các trục không gian cảnh quan kiến trúc đặc thù của đô thị; bảo tồn tôn tạo khu vực công trình kiến trúc có giá trị; phát triển các không gian công cộng đô thị để phục vụ tốt hơn cho người dân đô thị.

Kon Tum đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. 

(Ảnh: kontum.gov)

Cùng với đó, Kon Tum cũng tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế, đáp ứng nhu cầu vận tải chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhanh chóng, an toàn - đó là mục tiêu, đích đến trong phát triển hạ tầng giao thông mà Kon Tum đã và đang quyết tâm hiện thực hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển. Để hạ tầng giao thông phát triển cùng với nhu cầu phát triển của xã hội, ngay từ sớm, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 1176/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu: Phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan trong hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây là cơ sở để đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, hiện đại và bền vững trên cơ sở phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế của tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Kon Tum, thời gian tới, ngành Giao thông vận tải sẽ tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế. Trong đó, chú trọng ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bờ Y – Ngọc Hồi – Pleiku; đẩy nhanh quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng các quốc lộ qua địa bàn tỉnh như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, 14C, 40, 40B theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải; đầu tư xây dựng tuyến tránh đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Kon Tum và các thị trấn Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei... Cùng với đó, tập trung đưa hệ thống đường tỉnh vào cấp kỹ thuật, nâng cấp tất cả các tuyến đường đạt tối thiểu cấp IV miền núi; nâng cấp một số tuyến đường lên đường tỉnh, xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh có tính chất đặc biệt quan trọng, có tính kết nối và có nhu cầu vận tải cao... phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./..

Bảo Châu (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực