Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Quảng Bình, trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 10

Thứ sáu, 15/09/2017 23:06
Trước tác động đặc biệt nghiêm trọng của cơn bão số 10 và diễn biến khó lường từ hoàn lưu của bão, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định hủy chương trình công tác tại Đông Nam bộ, từ Thành phố Hồ Chí Minh bay trở ra Đà Nẵng và di chuyển liên tục 300km đường bộ tới Bắc miền Trung để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn siêu bão này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 10 tại thành phố Đồng Hới, tối 15/9. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Trước tác động đặc biệt nghiêm trọng của cơn bão số 10 và diễn biến khó lường từ hoàn lưu của bão, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định hủy chương trình công tác tại Đông Nam bộ, từ Thành phố Hồ Chí Minh bay trở ra Đà Nẵng và di chuyển liên tục 300km đường bộ tới Bắc miền Trung để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn siêu bão này. Chiều tối 15/9, Thủ tướng đã có mặt và thị sát các điểm thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình – một trong hai địa phương nằm trong vùng tâm bão đi qua. Ngay sau đó, tối 15/9, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Quân khu 4 và các bộ, ngành Trung ương để nắm tình hình và chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão. 

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, bão số 10 đổ bộ trên đất liền ven biển Quảng Bình có gió mạnh cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 14 - 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8 - 9; mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200 - 300 mm, có nơi lớn hơn 400 mm. Toàn tỉnh đã di dời 11.110 hộ với 33.541 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bão số 10 đã làm 2 người chết, 14 người bị thương; 13 căn nhà sập, 49.155 căn nhà bị tốc mái, chủ yếu tại huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn, 1.500 ngôi nhà bị ngập. Tại địa bàn huyện Bố Trạch, hàng trăm nhà dân đã bị ngập sâu từ 0,5m đến 2m. Ước tính, thiệt hại do bão số 10 gây ra ở Quảng Bình lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Điều đáng lo ngại, theo dự báo, nước trên các sông đang lên rất nhanh, sông Gianh và sông Nhât Lệ đã lên mức báo động 3, khả năng xảy ra lũ lớn. 

Chủ trì buổi làm việc tối cùng ngày, sau khi nghe đại diện các cơ quan chức năng báo cáo về tình hình thiệt hại, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cơn bão lớn nhất trong vòng 10 năm qua ở nước ta, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành chức năng và nhất là các địa phương liên quan theo chủ trương "4 tại chỗ"; người dân tự giác sớm thực hiện chèn, chống nhà cửa nên thiệt hại được giảm thiểu so với cấp độ của bão. 

Thủ tướng biểu dương sự cố gắng lớn của các cấp, các ngành Trung ương, lực lượng Quân đội, trực tiếp là Quân khu 4 và Công an, nhất là chính quyền tỉnh Quảng Bình và người dân vùng bão đã làm tốt công tác phòng, chống bão số 10. Nhờ đó, thiệt hại về người trên địa bàn ở mức thấp nhất. Tuy nhiên do cường độ bão mạnh, kéo dài nên thiệt hại về cơ sở vật chất, tài sản của Nhà nước và nhân dân là khá lớn. 

Cho rằng Quảng Bình đã chỉ đạo công tác khắc phục tương đối kịp thời hậu quả do bão gây ra, đảm bảo giao thông đường sắt, đường bộ, an ninh trật tự được giữ vững, song Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp của Quảng Bình cùng sự hỗ trợ của Quân đội, Công an, thanh niên tổ chức tốt việc đưa người dân trở lại nơi sinh sống, làm việc an toàn. 

“Việc đầu tiên, là đảm bảo cuộc sống của người dân”, Thủ tướng đặt ra yêu cầu để người dân không vướng vào cảnh màn trời, chiếu đất, không bị đứt bữa, nhất là vùng ven biển. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Quảng Bình về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 10. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện sớm đảm bảo khôi phục điện cho hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, có phương án huy động điện lực miền Bắc, miền Trung phối hợp thực hiện nhiệm vụ này. Thủ tướng yêu cầu đảm bảo vệ sinh, môi trường sớm nhất có thể, tránh dịch bệnh xảy ra và đảm bảo cảnh quan tại địa phương. Cùng với đó là có kế hoạch cụ thể, nhất là lực lượng Quân đội, Công an, trực tiếp là Quân khu 4, hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà cửa, đặc biệt là những nhà tốc mái, sập, đổ. 

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, vận hành các hồ chứa nước, không để xảy ra lũ hạ du do mưa sau bão. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố giao thông do bão, đảm bảo giao thông thông suốt tuyến đường bộ, đường sắt Bắc -Nam. Bộ Công an chỉ đạo các địa phương đảm bảo an ninh trật tự, không được để tình hình phức tạp xảy ra. 

“Cùng với khắc phục thiệt hại do bão, cần sớm khôi phục cơ sở hạ tầng, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân”, Thủ tướng nói và chỉ đạo ngành Y tế đảm bảo cơ số thuốc cần thiết cung cấp cho người dân, nhất là vùng chịu thiệt hại của bão; các bộ, ngành liên quan tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để chuẩn bị các phương án sẵn sàng cho công tác phòng, chống lụt bão; tổ chức rút kinh nghiệm bão số 10 để ứng phó tốt hơn trong mùa mưa bão năm nay. 

Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão trung ương tổng hợp thiệt hại các địa phương, nhất là Hà Tĩnh và Quảng Bình để báo cáo đầy đủ, kịp thời cùng các địa phương thiệt hại do bão số 10 khác để trình Thủ tướng có phương án hỗ trợ. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý giải quyết 3.000 tấn gạo hỗ trợ người dân Quảng Bình khắc phục hậu quả mưa bão. 

Cho rằng đây là bài học kinh nghiệm tốt cho công tác phòng chống lụt bão, Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò các cơ quan truyền thông, báo chí; công tác dự báo tương đối chính xác về hướng bão, cấp bão từ đó, chính quyền và người dân chủ động công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão số 10./. 

Quang Vũ/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực