Theo đó, ông Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng được giới thiệu giữ chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải; ông Lê Minh Khái - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Bạc Liêu giới thiệu giữ chức Tổng thanh tra Chính phủ.
Hai ứng viên vị trí: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: vnexpress.net
Trước đó, Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy, tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội có mặt đồng ý miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Theo Tờ trình, qua thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay,
Từ năm 2001 đến nay, phát hiện nhiều vụ lộ, mất bí mật nhà nước; trong đó có tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo. Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế... Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động…
Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, bọn tội phạm trong và ngoài nước không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá Việt Nam nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ XHCN ở Việt Nam. Để thực hiện các mục tiêu này thì hoạt động tình báo, gián điệp để lấy cắp, chiếm đoạt bí mật nhà nước được đặc biệt chú ý. Trước tình hình phức tạp nêu trên, từ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo; đồng thời, để hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ bí mật nhà nước nên việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết.
Cũng chiều nay, Quốc hội Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật An ninh mạng.
Tờ trình chỉ ra các nguy cơ đe dọa an ninh mạng hiện đang tồn tại là: Thông qua không gian mạng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, âm mưu này được triển khai dưới nhiều phương thức thức khác nhau.
Đối mặt với các cuộc tấn công mạng trên quy mô lớn, cường độ cao. Mục tiêu tấn công mạng là hạ tầng truyền dẫn vật lý (cáp truyền dẫn quốc tế, trục truyền dẫn nội bộ quốc gia…), hạ tầng dịch vụ lõi (router, thiết bị mạng…), hệ thống điều khiển tự động hóa (SCADA) của các cơ sở quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh... Tấn công mạng có thể diễn ra theo kiểu ra tự phát, đơn lẻ, theo các chiến dịch với mục đích khống chế và thu thập thông tin, khủng bố, đe dọa và tán phát các thông điệp xấu, phá hủy cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, thậm chí là phục vụ chiến tranh.
Mất kiểm soát về an ninh, an toàn thông tin mạng. Nguy cơ này chịu tác động trực tiếp từ bốn yếu tố: Sự phụ thuộc vào hạ tầng và dịch vụ công nghệ, thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, ý thức người dùng hạn chế và bất cập, hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thông tin mạng.
Do đó, mục đích xây dựng Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; Phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh; Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh; Triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh công tác giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này…./.