Thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19

Thứ tư, 09/09/2020 14:52
(ĐCSVN) - Nhiều chính sách, giải pháp nhằm tăng cường khả năng khôi phục nền kinh tế, vừa ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã được chia sẻ trong Hội nghị của Ủy ban Kinh tế AIPA trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41.

Sáng 9/9, trong khuôn khổ chương trình Đại hội đồng AIPA 41 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức đã diễn ra Hội nghị của Ủy ban Kinh tế AIPA thảo luận về chủ đề “Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19”.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì Hội nghị.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, hợp tác kinh tế trong AIPA là một trong những vấn đề then chốt, có ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực hợp tác khác của Khu vực. Cộng đồng Kinh tế ASEAN có mục tiêu tạo ra một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư kinh doanh và tạo sự thịnh vượng chung cho cả khu vực.

“Tôi vui mừng nhận thấy, từ khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 đến nay, trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và hi vọng rằng, trong thời gian tới, việc hội nhập này tiếp tục được phát huy sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu khả quan hơn” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu.

Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển hoan nghênh các nước thành viên AIPA đã tán thành quyết định chọn chủ đề về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và Phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID – 19”.  Đây là chủ đề mang tính thiết thực, có tính thời sự cấp bách đối với mọi quốc gia thành viên AIPA và khu vực chúng ta đã bước đầu thực hiện khá tốt.

Gắn kết để vượt qua đại dịch COVID-19

Tại hội nghị trực tuyến, đại diện các Đoàn đại biểu đã chia sẻ về những tổn thất to lớn do dịch bệnh COVID-19 gây ra ở các quốc gia ASEAN; tác động của dịch bệnh COVID-19 đã gây cản trở rất lớn đến kinh tế các nước ASEAN, hoạt động thương mại nội khối và ngoại khối. Đồng thời đều nhấn mạnh, trong nhiều tháng qua, các nước ASEAN đã có những biện pháp riêng để kiểm soát đại dịch COVID-19 cũng như ứng phó với các tác động kinh tế của dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, đại dịch COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần, mà còn là một cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển khi các chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế bị phá vỡ.

Chia sẻ về giải pháp, nhiều ý kiến nhấn mạnh, các nước trong khu vực cần gắn kết để vượt qua đại dịch COVID-19.

Đại diện Đoàn Malaysia đưa ra 3 ý tưởng mà các nước có thể cùng nhau thực hiện. Trước hết, các nước cần chia sẻ những thành công và thách thức của mình trong kiểm soát đại dịch COVID-19; cần có thảo luận về chính sách COVID-19 để đưa ra cách tiếp cận chung của khu vực với vấn đề COVID -19.

Đáng chú ý, vị đại diện này đề nghị cần phải “địa phương hóa” các hoạt động kinh tế. “Trong vòng 40 năm trở lại, các quốc gia ASEAN đã hưởng lợi nhiều từ toàn cầu hóa, nhưng khi COVID -19 xảy ra, chúng ta gặp phải gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trong tương lai có thể gặp nhiều thách thức nữa. Bài học là cần phải giảm thiểu sự toàn cầu hóa. Ngày càng nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang địa phương hóa chuỗi cung ứng sản xuất của mình mình. Trong bối cảnh ASEAN, chúng ta có thể thử nghiệm một chính sách địa phương hóa mở rộng để chuyển sang khu vực hóa. Nếu chúng ta cùng hoạt động với nhau và xử lý một chuỗi cung ứng ở khu vực thì có thể giúp cho chuỗi cung ứng miễn dịch trước những cơn sốc trong tương lai” - đại diện Malaysia phân tích.

Trong khi đó, đại diện Đoàn Indonesia cho rằng, nền kinh tế ASEAN muốn duy trì sự tự cường thì cần thiết phải tái khởi động nền kinh tế xuyên ASEAN và các hoạt động kinh tế có tính đến các hướng dẫn về y tế. Nhấn mạnh đây là một thách thức lớn vì tỷ lệ lây nhiễm ở một số nước vẫn cao, đại diện Indonesia kiến nghị ASEAN cần có sắp xếp cụ thể để đưa ra được một khu vực đi lại ASEAN, trong đó có đi lại của các doanh nghiệp thiết yếu.

Đại diện Đoàn Thái Lan khẳng định, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nhận ra nếu không có công nghệ, các ứng dụng số hóa thì càng gặp khó khăn và thách thức hơn. Bởi số hóa giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách gây ra bởi các biện pháp giãn cách xã hội; việc làm và các hoạt động đời sống xã hội diễn ra online nhiều hơn. Do đó, việc quan trọng là cần có cơ chế, chính sách số hóa trên diện rộng và hỗ trợ về tài chính để vượt qua các khó khăn về số hóa.

Cần chuỗi giải pháp mang tính đột phá, khả thi

Hội nghị của Ủy ban Kinh tế diễn ra dưới hình thức trực tuyến

Thay mặt Đoàn Việt Nam phát biểu ý kiến tại Hội nghị, ông Dương Quốc Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, liên kết kinh tế trong thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế của các nước thành viên ASEAN và việc triển khai tốt các hoạt động kinh tế số sẽ có tầm quan trọng sâu sắc, đóng vai trò quan trọng trong tăng cường liên kết kinh tế ASEAN cũng như sự sẵn sàng của ASEAN để ứng phó với các thách thức từ đại dịch COVID-19.

Trên tinh thần đó, Đoàn Việt Nam mong muốn cộng đồng ASEAN thống nhất thực hiện một chuỗi giải pháp mang tính đột phá, khả thi. Trong đó, trước hết là thực hiện thúc đẩy nhanh việc trao đổi thông tin liên quan đến du lịch và sức khỏe và các biện pháp cần thiết khác để kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19; củng cố sự an tâm trong di chuyển, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và quy trình y tế hỗ trợ di chuyển xuyên biên giới của công dân ASEAN không bị gián đoạn, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và y tế quốc tế cũng như các cam kết theo các Hiệp định có liên quan giữa các nước thành viên ASEAN.

Nghiên cứu khái niệm “du lịch cầu hàng không” giữa “các nước xanh lá cây” như một sáng kiến sơ bộ trong quá trình mở cửa lại biên giới, hình thành các khu vực di chuyển an toàn trong ASEAN và đề xuất hướng dẫn tham chiếu cho tất cả các nước thành viên ASEAN mà không làm tổn hại đến những cam kết theo các thỏa thuận có liên quan giữa các nước thành viên ASEAN.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh đề nghị, tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn; xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm trong khu vực; bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn.

Thúc đẩy nhanh việc phê chuẩn các hiệp định, thỏa thuận thương mại trong khu vực; ưu tiên tăng cường các nỗ lực để hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2020; tăng cường năng lực, sự tham gia và đẩy mạnh giám sát nghị viện đối với việc thực hiện các cam kết về đầu tư và thương mại trong khuôn khổ khu vực và quốc tế, coi đây là công cụ chủ yếu để thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng hơn trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác.

Đại diện Đoàn Việt Nam cũng đề nghị, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an toàn dữ liệu số, kiến thức và kỹ năng số gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN để phát triển kinh tế số; chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để xử lý các thách thức mà các nền tảng thương mại điện tử đang phải đối mặt; tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội trong dịch bệnh COVID-19 và duy trì tính cạnh tranh trong kỷ nguyên kinh tế số.

Xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối khu vực, tăng cường kết nối giao thông và sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác tiểu vùng Mê Công và các tiểu vùng khác của ASEAN, đặc biệt là về bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp thông minh và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng tại các tiểu vùng trong và sau đại dịch COVID-19.

Sau khi thảo luận, các Đoàn thống nhất cao ban hành Nghị quyết của AIPA về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID-19”. Việc ban hành góp phần khẳng định quyết tâm của Nghị viện các nước thành viên AIPA trong nâng cao khả năng tự cường của ASEAN, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế và khu vực, từ đó ổn định cuộc sống của người dân và doanh nghiệp./.

Kim Thanh - Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực