Thúc đẩy kinh doanh liêm chính cần xóa bỏ văn hóa bôi trơn

Thứ ba, 03/12/2019 15:31
(ĐCSVN) – Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, liêm chính là giấy thông hành của các doanh nghiệp Việt Nam bước ra thế giới, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Thúc đẩy kinh doanh liêm chính cần có sự nỗ lực đồng bộ, xóa bỏ văn hóa lệ làng và văn hóa bôi trơn.

Sáng 3/12, tại Hà Nội đã diễn ra khai mạc Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh: Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng luôn được coi là xương sống cho tăng trưởng kinh tế và là động lực cho sự phát triển xã hội, tạo nền tảng quan trọng để nhà nước cung cấp các dịch vụ công cơ bản đến với người dân. Nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua các dự án có quy mô lớn ngày càng tăng vọt trong những năm gần đây cũng kéo theo đó nguy cơ tham nhũng lớn trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là một thách thức lớn mà nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt.

Cuộc họp đầu tiên “Thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh” ngày hôm nay được kỳ vọng là cơ hội quý báu để các bên liên quan cùng chia sẻ về góc nhìn của doanh nghiệp về thực trạng tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng, nguyên nhân, những nỗ lực tuân thủ, những khó khăn, thách thức và những bài học kinh nghiệm thực tiễn tốt, để từ đó tìm ra những giải pháp đồng bộ và toàn diện để tăng cường tính liêm chính trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và trong hoạt động kinh doanh nói chung.

leftcenterrightdel
 Khai mạc Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Ảnh: TH.

Tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, liêm chính là trái tim của cộng đồng kinh doanh, liêm chính là kinh doanh ngay thẳng, trong sạch hay nói cách khác là tuân thủ các chuẩn mực đạo đức kinh doanh chung. Liêm chính là giấy thông hành của các doanh nghiệp Việt Nam bước ra thế giới, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Mặt khác các doanh nghiệp đều phải nhận thức rất đầy đủ, liêm chính là nền tảng tương tác giữa cộng đồng với Chính phủ.Thúc đẩy kinh doanh liêm chính cần có sự nỗ lực đồng bộ, xóa bỏ văn hóa lệ làng và văn hóa bôi trơn.

Trong thời gian tới, để phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng, theo ông Lộc, trước hết là tăng cường nhận thức, xóa bỏ bôi trơn, xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, xoá bỏ các điểm chồng chéo trong Luật Đầu tư; xóa bỏ các điểm chồng lấn, không minh bạch, mà đây chính là mảnh đất màu mỡ nhất cho việc tham nhũng. Đồng thời,  minh bạch và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp...

Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Phùng Mạnh Trường nhấn mạnh: Hối lộ xảy ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt chính trị, có mặt trong mọi lĩnh vực liên quan đến hoạt động quản lý xã hội. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam coi hối lộ là một quốc nạn, cần phải chủ động phòng ngừa và kiên quyết xử lý cứng rắn, triệt để và hiệu quả. Do vậy, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng (PCTN) nói chung và hối lộ nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết được Đảng và Nhà nước quán triệt thực hiện, nhất là trong các cơ quan hành chính công.

Áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 37001 (Hệ thống quản lý chống hối lộ - Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng) cũng là một trong những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác PCTN, hối lộ.

Trong đó, để triển khai hiệu quả và hiệu lực TCVN ISO 37001, cần nhận diện rõ những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực như: thuế, hải quan, quản lý đất đai, quản lý đầu tư, xây dựng, cấp phép… để ưu tiên xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn này.

Phó Viện trưởng Phùng Mạnh Trường lưu ý, quan trọng lãnh đạo cao nhất phải nêu gương, đi đầu, chịu trách nhiệm trong việc phòng, chống hối lộ; đảm bảo rằng hệ thống quản lý chống hối lộ được thiết lập, thực hiện và duy trì và được xem xét để giải quyết thỏa đáng các rủi ro về hối lộ của tổ chức; triển khai các nguồn lực thỏa đáng và thích hợp cho việc thực hiện có hiệu lực hệ thống chống hối lộ…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực