Tổng thống Cộng hòa Ả rập Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi (Ảnh BNG cung cấp)
Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Cộng hòa Ả rập Ai Cập kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963. Chuyến thăm được coi là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Ai Cập, giúp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trên các lĩnh vực.
Cộng hòa Ả rập Ai Cập nằm ở Bắc Phi, bắc giáp Địa Trung Hải, nam giáp Xu-đăng, tây giáp Li-bi, đông giáp Ít-xra-en và Biển Đỏ. Diện tích đất liền: 995.451 km2, tổng diện tích: 1.001450 km2 Dân số: 94,7 triệu người (7/2016).
Ai Cập được coi là nước lớn ở khu vực, có uy tín và vị trí địa chiến lược quan trọng nối liền lục địa Á – Phi. Ai Cập là một trong những nước đóng góp lớn cho ngân sách hoạt động của Liên minh châu Phi (AU), là nơi đặt trụ sở Liên đoàn Ả rập và hiện đại diện nhóm châu Phi/Ả rập cho vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2016 – 2017. Trong những năm 1950 - 1960, Ai Cập là một trong những lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc, một trong những nước sáng lập ra phong trào Không liên kết. Ai Cập có đường lối đối ngoại cân bằng, có quan hệ hợp tác chiến lược với cả Mỹ, Trung Quốc, Nga…, là một trong số ít các nước Hồi giáo/Ả rập duy trì quan hệ ngoại giao với I-xra-en và có vai trò quan trọng trong Tiến trình hòa bình Trung Đông, khủng hoảng Li-bi, xung đột Đa-phua…
Kể từ khi nhậm chức tháng 5/2014, Tổng thống Ai Cập Áp-đen Pha-ra An Xi-xi tiếp tục thúc đẩy chính sách “hướng Đông”, quan tâm mở rộng quan hệ với các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Xinh-ga-po, Việt Nam… Tháng 9/2016, Ai Cập chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN (TAC).
Hiện nay, Ai Cập nhận được nhiều hỗ trợ tài chính từ các quốc gia vùng Vịnh, với số vốn cam kết từ năm 2015 đến nay đạt khoảng 25 tỷ USD. Chỉ tính riêng tại Hội nghị Phát triển kinh tế Ai Cập (tháng 3/2015), các nước vùng Vịnh đã cam kết hỗ trợ tài chính 12.5 tỷ USD cho Ai Cập. Ai Cập đứng thứ 2 về quy mô kinh tế, dân số và là một trong những nước thu hút FDI hàng đầu châu Phi (theo World Bank, GDP thực tế của Ai Cập năm 2016 đạt 331 tỷ USD, đứng thứ 32 thế giới và thứ 2 châu Phi sau Ni-giê-ri-a. Theo báo cáo của Hội nghị LHQ về Thương mại và Đầu tư UNCTAD, năm 2016, Ai Cập thu hút được 8,1 tỷ USD FDI, chiếm 14% tổng FDI vào khu vực). Các ngành kinh tế chính của Ai Cập là du lịch, dầu mỏ, dệt may, chế biến nông sản, hóa chất, xây dựng,…
Thời gian qua, tình hình chính trị bất ổn tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế Ai Cập, đặc biệt với các lĩnh vực đem lại nguồn thu chính cho Ai Cập như du lịch (lượng khách du lịch giảm từ 16 triệu trước khủng hoảng xuống 5,4 triệu năm 2016), xuất khẩu dầu mỏ, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối… buộc chính quyền của Tổng thống Áp-đen Pha-ta An Xi-xi phải áp dụng nhiều biện pháp cải cách kinh tế mạnh mẽ như cắt giảm trợ cấp, áp thuế VAT, thả nổi tiền tệ, đổi mới chính sách đầu tư, thương mại… Các cải cách trên bước đầu đạt hiệu quả tích cực, cùng với những hỗ trợ tài chính của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế IMF (tháng 12/2016, Ai Cập ký với IMF gói hỗ trợ tài chính trị giá 12 tỷ USD) đã giúp nền kinh tế Ai Cập dần đi vào ổn định và được sự báo sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 5% trong năm 2017.
Năm 2016, kinh tế Ai Cập có nhiều chuyển biến: GDP đạt 331 tỉ USD (1.098 tỷ USD theo sức mua tương đương), tăng trưởng GDP đạt 4.3%; Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 11,2%, công nghiệp 36,3%, dịch vụ 52.5% (2016). GDP đầu người: 3.750 USD (2016).
Xuất khẩu 20,88 tỉ USD (2016). Mặt hàng xuất khẩu chính: dầu thô, các sản phẩm hóa dầu, bông, dệt may, các sản phẩm thép, hóa chất, thực phẩm chế biến. Các đối tác xuất khẩu chính: Mỹ, Ấn Độ, I-ta-li-a, A-rập Xê-út, Đức, Pháp. Nhập khẩu 57.91 tỉ USD (2016). Mặt hàng nhập khẩu chính: máy móc và trang thiết bị, thực phẩm, hóa chất, sản phẩm gỗ, nhiên liệu. Các đối tác nhập khẩu chính: Trung Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Đức, Nga, Ấn Độ.
Cộng hòa Ả rập Ai Cập là một trong những nước Ả rập đầu tiên có quan hệ với Việt Nam. Từ năm 1958, Việt Nam đã có cơ quan đại diện thương mại tại Ai Cập. Ngày 1/9/1963, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng năm đó, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Cairo, thủ đô của Cộng hòa Ả rập Ai Cập. Năm 1964, Ai Cập mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
Những năm qua, Ai Cập luôn đánh giá cao lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề của thế giới Ả rập, đặc biệt là Tiến trình Hòa bình Trung Đông. Chính quyền Ai Cập khẳng định coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt với Việt Nam. Điều này được thể hiện bằng những hành động cụ thể như: Chính quyền Ai Cập đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong hai đợt sơ tán lao động tại Libya (năm 2011 và 2014). Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế; chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề cùng quan tâm tại Liên hợp quốc.
Tại kỳ họp Tham vấn chính trị lần 8 cấp Thứ trưởng Ngoại giao tại Cairo tháng 5/2015, Ai Cập cam kết hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật để đạt chứng chỉ Halal về thực phẩm cho các thị trường Hồi giáo.
Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi. Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt 316 triệu USD, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là hải sản, linh kiện phụ tùng ô tô, vải sợi, hạt tiêu đen, cà phê, cao su và hàng tiêu dùng khác. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Ai Cập là hóa chất, sản phẩm từ dầu mỏ, sữa và các sản phẩm từ sữa, sợi các loại và hàng tiêu dùng khác...
Ai Cập là nước Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ vào tháng 11/2013. Hiện nước này có hai dự án đầu tư tại Tây Ninh và Khánh Hòa với giá trị 750 nghìn USD. Hàng năm, Chính phủ Ai Cập cấp cho Việt Nam 12 học bổng đào tạo sinh viên tiếng Ả rập. Hai nước cũng thường xuyên trao đổi thông tin, hợp tác qua kênh đảng, kênh địa phương và trong các lĩnh vực thanh tra, văn hóa… Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – Ai Cập đã được thành lập gồm 8 thành viên do một Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm Chủ tịch.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi tới Việt Nam là một dấu ấn quan trọng trong 54 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1963 - 2017). Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp nhất của Ai Cập đến thăm Việt Nam, thể hiện sự coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam; đưa hợp tác hai nước ngày càng hiệu quả và sâu rộng hơn.
Chuyến thăm cũng là dịp để hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh như thương mại, nông nghiệp, văn hóa, du lịch; đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Các Hiệp định/thoả thuận giữa Việt Nam – Ai Cập đã ký: Các Hiệp định: Thương mại (5/1994), Hợp tác Kinh tế - Kỹ thuật (9/1997), Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (9/1997), Hàng không (4/1999), Hợp tác thanh tra (3/1999), Tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (3/2006), Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, đặc biệt và công vụ (8/2010); Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ ngoại giao (6/1996); các Thỏa thuận hợp tác về: Du lịch (3/2006), giữa Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam và Cơ quan Hội chợ triển lãm quốc tế Ai Cập (3/2006), Thăm dò, khai thác dầu khí giữa PVN và Công ty dầu khí Ai Cập (11/2008), Hội chợ và triển lãm (11/2008), Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (11/2008) Thành lập Hội đồng kinh doanh hỗn hợp Việt Nam – Ai Cập (7/2009), Hợp tác xúc tiến đầu tư (1/2010); Chương trình hợp tác văn hóa và xã hội giai đoạn 2006 - 2010 (3/2006), Chương trình hành động về hợp tác du lịch (11/2008)./. |