|
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam (Ảnh: Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cung cấp) |
Ngày 19/12, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã chính thức khởi động chương trình hỗ trợ tiếp cận vốn đầu tư dành cho các dự án các-bon thấp, mang tính đổi mới sáng tạo.
Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu (CFA) là chương trình hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ nhằm ứng phó trực tiếp với tình trạng khẩn cấp và ảnh hưởng lan rộng của biến đổi khí hậu. Chương trình mời gọi các bên quan tâm nộp hồ sơ đăng ký tham gia chương trình đến hết ngày 15/1/2023, đối với các đề án triển khai tại Việt Nam.
Theo ghi nhận của chương trình CFA, mặc dù dòng vốn dành cho lĩnh vực tài chính khí hậu vẫn có trên thị trường, tuy nhiên, việc đảm bảo dòng vốn này chảy vào những dự án đang cần đến vốn nhất vẫn đang là một thách thức. Chương trình tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển dự án gặp gỡ và tiếp cận với các tổ chức tài chính có khả năng phát triển và cấp vốn cho các dự án khí hậu quy mô lớn. Với phương pháp tiếp cận này, CFA đóng góp vào nỗ lực chung của Việt Nam trong việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trong Thỏa thuậnParis, giảm phát thải khí nhà kính và đề ra những mục tiêu về khí hậu tham vọng hơn.
Sáng kiến là sự tiếp nối cho những nỗ lực của Vương quốc Anh trong vai trò nước chủ nhà COP26 và quá trình đàm phán thiết lập Chương trình Quan hệ Đối tác về Chuyển dịchNăng lượng Công bằng (JETP) với Việt Nam vừa mới được công bố gần đây. Mục tiêu của sáng kiến nhằm huy động nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam.
Ông Iain Frew, Đại sứ Anh tại Việt Nam cho biết: “Ngày hôm nay tôi rất vui mừng chứng kiến Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu được triển khai tại Việt Nam nhằm hỗ trợ nỗ lực hiện thực hóa các dự án đóng góp trực tiếp vào việc thực hiện mục tiêu tham vọng đạt mức phát thải ròng bằng ‘0' của Việt Nam. Quá trình triển khai chương trình CFA ở 8quốc gia trên thế giới đã ghi nhận được nhiều thành công to lớn. Thật là một tín hiệu tuyệt vời khi các dự án các-bon thấp tại Việt Nam sẽ được hỗ trợ kỹ thuật nhằm tạo điều kiện huy động được vốn đầu tư. Chương trình là minh chứng cho cam kết của Vương quốc Anh trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam trong khuôn khổ JETP.”
Trong giai đoạn đầu, chương trình CFA sẽ lựa chọn 8 -10 dự án ở giai đoạn tiền khả thi hiện có nhu cầu huy động vốn từ 5 triệu USD trở lên. Các dự án mong muốn tham gia Chương trình CFA Việt Nam cần hoàn thành hồ sơ đăng ký trực tuyến theo thời hạn nêu trên.
Chương trình sẽ chọn các dự án thuộc những lĩnh vực sau: năng lượng tái tạo; hiệu quả sử dụng năng lượng/tài nguyên; phương tiện giao thông điện; cấp nước; xử lý nước thải; quản lý chất thải; sản xuất năng lượng từ rác thải; sản xuất phát thải các-bon thấp, nông nghiệp xanh; phi các-bon hóa trong lĩnh vực xây dựng- những lĩnh vực có thể giúp Việt Nam đạt được các cam kết về khí hậu.
Các dự án tham gia chương trình sẽ được các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật, tài chính, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội, hỗ trợ nâng cao năng lực để hiểu biết thêm và vượt qua các rào cản thu hút đầu tư. Ngoài ra, chương trình CFA sẽ phối hợp với các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ Việt Nam để chia sẻ những kiến thức chuyên sâu, thúc đẩy xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động tài chính khí hậu tại Việt Nam.
Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, Đinh Thị Quỳnh Vân cho biết: “Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động thực hiện các hành động vì môi trường và xã hội. CFA là cơ hội tuyệt vời cho các đơn vị tiên phong và đổi mới trong lĩnh vực khí hậu tại Việt Nam được gặp gỡ và học hỏi từ các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật, tài chính, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội đến từ Vương quốc Anh.
“PwC Việt Nam vinh dự được chọn là đối tác thực hiện chương trình CFA tại Việt Nam, phụ trách việc kết nối các doanh nghiệp, tổ chức tài chính và các cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy các hành động vì khí hậu tại Việt Nam, tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực tài chính và đóng góp vào nỗ lực thực hiện các mục tiêu về khí hậu và đạt mức phát thải ròng bằng “0” của Chính phủ Việt Nam.”
Chương trình CFA đã và đang được triển khai tại 08 quốc gia khác gồm Colombia, Ai Cập, Nigeria, Mexico, Pakistan, Peru, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ cùng hai đối tác triển khai là PwC và công ty Ricardo Energy & Environment. Chương trình do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ, thông qua Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp (BEIS). PwC Việt Nam là đối tác triển khai chương trình CFA tại Việt Nam.
Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu (CFA) là chương trình hỗ trợ kỹ thuật với tổng kinh phí thực hiện là 10,8 triệu Bảng Anh, do Quỹ Tài chính Khí hậu Quốc tế (International Climate Finance - ICF) của Vương quốc Anh tài trợ thông qua Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp (BEIS). Chương trình CFA được triển khai ở 09 quốc gia (Colombia, Ai Cập, Mexico, Nigeria, Pakistan, Peru, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam) với mục tiêu xây dựng nguồn dự án các-bon thấp, bền vững, có khả năng huy động vốn ở mỗi quốc gia.
Chương trình CFA là một trong những nỗ lực của Vương quốc Anh trong việc hỗ trợ hành động vì khí hậu ở quy mô toàn cầu, tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực tài chính và hỗ trợ chính phủ các nước đạt được các mục tiêu về khí hậu đã đề ra trong Thỏa thuận Paris.
|