Thúc đẩy thực thi các Công ước Giơ-ne-vơ về luật nhân đạo quốc tế

Thứ ba, 05/12/2017 19:43
(ĐCSVN) - Ngày 5/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) tổ chức Hội thảo “Kỷ niệm 60 năm Việt Nam phê chuẩn các Công ước Giơ-ne-vơ năm 1949 về luật nhân đạo quốc tế”.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao - ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Giáo sư Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Beat Schweizer, Trưởng đại diện khu vực của ICRC; bà Cherine Pollini, đại diện triển khai các hoạt động của ICRC tại Việt Nam; đại diện của Bộ Quốc phòng và các Bộ, ban, ngành liên quan; một số giảng viên về luật quốc tế của Việt Nam và một số chuyên gia quốc tế về luật nhân đạo quốc tế. 

Cách đây 60 năm, ngày 05/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Công hàm thông báo Việt Nam phê chuẩn các Công ước Giơ-ne-vơ năm 1949 về luật nhân đạo quốc tế, bao gồm: Công ước (I) về việc cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; Công ước (II) về việc cải thiện tình trạng của những thương binh, bệnh binh và những người bị đắm tàu thuộc lực lượng hải quân; Công ước (III) về bảo hộ tù binh trong chiến tranh; và Công ước (IV) về việc bảo hộ thường dân trong chiến tranh.

Các Công ước Giơ-ne-vơ năm 1949 nhấn mạnh nguyên tắc về tôn trọng quyền được sống cũng như quyền cơ bản của các cá nhân trong chiến tranh, thiết lập các quy tắc thiết yếu nhằm bảo vệ những người không hoặc không còn tham gia trực tiếp vào các cuộc xung đột, như những người bị thương, những người bị bệnh, những người bị đắm tàu, tù binh chiến tranh và thường dân. Các Công ước này được thông qua ngày 12/8/1949 tại Giơ-ne-vơ và đã nhanh chóng được các quốc gia phê chuẩn, có hiệu lực từ ngày 21/10/1950. Đến nay, các Công ước này đã có 196 quốc gia thành viên. Đây là Công ước thuộc số ít các điều ước quốc tế có sự tham gia của đông đảo các quốc gia và áp dụng trên phạm vi toàn cầu. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh việc Việt Nam phê chuẩn các Công ước Giơ-ne-vơ năm 1949 là dấu mốc lịch sử quan trọng, là minh chứng cho chính sách của Việt Nam đề cao việc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và thúc đẩy thực thi luật nhân đạo quốc tế nói riêng cũng như luật pháp quốc tế nói chung, đồng thời đề cao truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân đạo và khoan dung của nhân dân Việt Nam.

Việt Nam đã và đang tăng cường thực thi các Công ước này thông qua hoàn thiện pháp luật và cơ chế trong nước, hợp tác quốc tế nhằm nâng cao nhận thức, bồi dưỡng năng lực cho các lực lượng liên quan để bảo đảm thực thi các quy tắc cụ thể của các Công ước này trong các tình huống theo quy định, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế về triển khai các công tác nhân đạo nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó với các tình huống khẩn cấp về thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đối xử nhân đạo với ngư dân trên biển…

Trưởng đại diện khu vực của Ủy ban Chữ thập đổ quốc tế (ICRC), ông Beat Schweizer cho rằng Việt Nam có vai trò, tiếng nói quan trọng trong việc thúc đẩy tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Ông nhấn mạnh, Việt Nam vốn là đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, và vẫn còn phải chịu những hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh đối với con người và đất nước, nên hơn ai hết, Việt Nam đề cao ý nghĩa của việc tôn trọng các giá trị cốt lõi của luật nhân đạo quốc tế. Ông Beat Schweizer cũng đánh giá cao hợp tác giữa ICRC và Việt Nam và bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp thúc đẩy tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, trong đó có các Công ước Giơ-ne-vơ.

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam cùng trao đổi về những phát triển mới nhất trong việc giải thích và áp dụng các quy định của các Công ước này cũng như những nỗ lực hợp tác gần đây của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy thực thi luật nhân đạo quốc tế trên thế giới. Các đại biểu của Việt Nam tham dự Hội thảo đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thực thi các Công ước Giơ-ne-vơ năm 1949 trong thời kỳ chiến tranh trước kia, cũng như trong thời bình, thông qua các công tác nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về luật nhân đạo quốc tế, triển khai các chương trình trong nước và hợp tác quốc tế thúc đẩy thực thi các quy định của các Công ước Giơ-ne-vơ phù hợp với tình hình mới./.

Tin, ảnh: Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực