Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) năm 2018
Sáng 5/12, tại Hà Nội, Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) năm 2018 lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới” với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức, có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, học giả hàng đầu trong nước và ngoài nước.
Năm 2016, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã phối hợp nghiên cứu và công bố Báo cáo Việt Nam 2035. Bản báo cáo này trở thành một tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay, đóng góp tích cực vào việc cụ thể hóa các của trương, đường lối của Đại hội XII.
Tiếp nối Báo cáo Việt Nam 2035, trong thỏa thuận chung về hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng thế giới (WB) cũng như trong khung khổ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WB đã cam kết thúc đẩy các hoạt động tham vấn, hỗ trợ chính sách, tăng cường đối thoại để tiếp tục tìm kiếm những giải pháp cụ thể thúc đẩy cải cách hơn nữa hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Xuất phát từ thực tế đó, được chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cộng đồng phát triển tổ chức Diễn đàn Cải cách và Phát triển (Vietnam Reform and Development Forum, viết tắt là VRDF) 2018, nhằm thảo luận rộng rãi về các lĩnh vực liên quan đến cải cách và xây dựng thể chế mới, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển bền vững.
Đây sẽ là diễn đàn thường niên kế thừa Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF), Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF), Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) đã tổ chức thường niên trong suốt 25 năm qua, kể từ năm Hội nghị CG đầu tiên năm 1993 tổ chức ở Paris.
Thay vì hoạt động đối thoại đơn thuần giữa các đối tác phát triển với Chính phủ Việt Nam như trước đây, tại VRDF, không chỉ có các đối tác phát triển mà còn đại diện khu vực tư nhân, giới học giả, nghiên cứu, truyền thông... cùng học hỏi lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm phát triển.
VRDF sẽ được tổ chức thường niên là nơi tập hợp các đối tác phát triển, các chuyên gia, đại diện khu vực tư nhân, giới học giả, nghiên cứu, truyền thông... cũng như các tổ chức/cá nhân liên quan, quan tâm đến sự phát triển của đất nước trao đổi, thảo luận để tìm kiếm và đề xuất các giải pháp, các hành động cụ thể thông qua các cơ quan tổ chức diễn đàn (là cơ quan hoạch định chính sách) để chuyển hóa nhanh nhất thành các hành động chính sách cải cách của Chính phủ. Đồng thời qua Diễn đàn cùng với các hoạt động truyền thông tạo ra sự chia sẻ và đồng thuận của xã hội về những giải pháp cải cách hướng tới sự phát triển của đất nước.
Mục tiêu chung của VRDF xuất phát từ thực tiễn triển khai những nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Chính phủ đang tiến hành như đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng)… trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế và trong nước, thảo luận rộng rãi về các lĩnh vực liên quan đến cải cách và xây dựng thể chế mới, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và phát triển bền vững.
Diễn đàn được tổ chức với tư tưởng xuyên suốt là “cải cách” và “phát triển”. Theo đó, tập trung vào những vấn đề nóng bỏng cần phải giải quyết bằng các biện pháp mới có tác động sâu rộng, liên tục và lâu dài tới sự phát triển đất nước.
Mỗi một kỳ diễn đàn phải có được những đề xuất cụ thể cho sự điều chỉnh (cải cách) chính sách của Chính phủ và cung cấp được thông tin đến với các chủ thể phát triển của đất nước để có được sự đồng thuận và các chủ thể có lựa chọn phát triển của mình.
Chủ đề của Diễn đàn gắn chặt chẽ với việc triển khai những nhiệm vụ trọng tâm được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và thực hiện theo lộ trình trong Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII. Đồng thời, các chủ đề cụ thể sẽ được lựa chọn trên cơ sở tham vấn các đối tác phát triển, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
VRDF lần thứ nhất có chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới”. Theo chương trình dự kiến, Diễn đàn sẽ có 4 phiên.
Tại phiên 1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione sẽ có bài phát biểu, đồng thời công bố Khung chính sách kinh tế Việt Nam...
Tại phiên 2 có chủ đề “Tầm nhìn Việt Nam trong thế giới thay đổi nhanh”, các diễn giả sẽ thảo luận về những cơ hội và thách thức với Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ và những hành động Việt Nam cần làm để vượt qua thách thức, vươn tới khát vọng.
Phiên 3 có 2 chủ đề là “Động lực tăng trưởng mới. Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0” và “Phát triển khu vực kinh tế tư nhân”. Theo đó, sẽ đưa ra những rào cản, chỉ ra khoảng cách công nghệ của nền sản xuất Việt Nam so với trình độ công nghệ 4.0. Đồng thời, nêu ra những chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam, đổi mới sáng tạo thông qua hợp tác giữa ngành công nghiệp và các trường đại học.
Đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học - công nghệ là một trong những nhân tố quyết định sự gia tăng năng suất lao động, cơ sở của chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào khai thác các nhân tố đầu vào (phát triển theo chiều rộng) sang tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng năng suất lao động (phát triển theo chiều sâu). Đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng và rộng khắp hiện nay, đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0 càng có ý nghĩa động lực to lớn và có nhiều vấn đề mới phải giải quyết. Diễn đàn dự kiến tập trung thảo luận nhằm nhận diện các rào cản và khoảng cách công nghệ của nền sản xuất Việt Nam so với trình độ công nghiệp 4.0 và chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ ở Việt Nam hiện nay.
Đối với phát triển khu vực kinh tế tư nhân, Đại hội XII của Đảng (2016) đã xác định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Tiếp theo, Hội nghị lần thứ 5 (Khóa XII; 5/2017) đã ra Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam. Đây là một trong những chủ đề xã hội rất quan tâm hiện nay và Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận sâu về tiềm năng của khu vực tư nhân, các rào cản về thể chế, về khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển và chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn tới.
Điểm nhấn của Diễn đàn Cải cách và Phát triển là ra mắt Khung chính sách kinh tế Việt Nam là tài liệu tổng hợp các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cập nhật; các xu thế diễn biến mới của thế giới và tham khảo Báo cáo 2035 nhằm để giới thiệu chính sách phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn, đồng thời trả lời câu hỏi “Việt Nam đang ở đâu cần làm gì và như thế nào”.
Đây là một tài liệu mang tính khái quát, gửi thêm thông điệp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động nguồn lực cho phát triển nhằm cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hài hòa và bền vững.
Việc xây dựng tài liệu Khung chính sách kinh tế Việt Nam đã được triển khai từ cuối năm 2017. Tiếp nối kết quả nghiên cứu của Báo cáo Việt Nam 2035 được chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 2/2016, được sự đồng ý cho phép triển khai của Thủ tướng Chính phủ chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự phối hợp từ Chương trình Đối tác chiến lược Ôtxtrâylia và Nhóm Ngân hàng Thế giới, nhóm nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tổ chức nghiên cứu, cập nhật những quan điểm, đường lối, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước và trình bày trong ấn phẩm Khung chính sách kinh tế Việt Nam.
Các đại biểu tham dự tại Diễn đàn sẽ cùng chia sẻ, thảo luận cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề cải cách và phát triển của đất nước. Từ đó, tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng và xã hội, đề xuất các giải pháp ngắn hạn và dài hạn có tính khả thi cao nhằm tạo những chuyển biến rõ nét, căn bản trong các hành động chính sách, hướng tới sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước./.