Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới: Chỉ đạt 6/22 chỉ tiêu

Thứ tư, 13/09/2017 15:01
(ĐCSVN) – Trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đề ra thì chỉ có 6 chỉ tiêu đạt, và có đến 16 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chưa đánh giá được.
Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Chỉ đạt 6 chỉ tiêu

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, từ đầu năm 2016 đến nay, công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm thực hiện trên cơ sở triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.

Phiên họp sáng 13/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: TTXVN)

Với nỗ lực của các cấp, các ngành, một số kết quả nổi bật trong công tác bình đẳng giới đạt được như: cơ chế chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được hoàn thiện, trong đó có các chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội được ban hành; các hoạt động nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, còn một số hạn chế. Bộ trưởng cho hay, trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược đề ra thì chỉ có 6 chỉ tiêu đạt (chiếm tỷ lệ 27,3%), và có đến 16 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chưa đánh giá được (chiếm tỷ lệ 72,7%) trong đó có 03 chỉ tiêu không có khả năng thu thập và 11chỉ tiêu phân tổ chưa phù hợp với hệ thống thống kê số liệu hiện hành.

Lí giải về việc chỉ có 6/22 chỉ tiêu đạt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, một số chỉ tiêu của Chiến lược không đạt được một phần nguyên nhân là do đặt ra yêu cầu quá cao, chưa sát với thực tiễn, chưa có các giải pháp căn cơ, quyết liệt nên không thể hoàn thành (như chỉ tiêu nữ cấp ủy, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo Nghị quyết 11-NQ/TW). Mặt khác, việc phân tổ một số chỉ tiêu của Chiến lược chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống chỉ tiêu thống kê của các Bộ, ngành dẫn đến tình trạng số liệu thống kê không khớp phân tổ với các chỉ tiêu của Chiến lược nên chưa đủ căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân khác là chưa có chế tài xử lý đối với các Bộ, ngành, địa phương khi chưa hoàn thành các chỉ tiêu của Chiến lược tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Bộ trưởng ví dụ: ”Điển hình như vẫn còn 23 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ ứng cử viên dưới 35% trong danh sách chính thức bầu cử đại biểu Quốc hội (không đạt tỷ lệ nữ ứng cử viên tối thiểu theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân) song chưa có biện pháp xử lý; hoặc đối với các cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện công tác lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định”.

Ngoài ra, nguyên nhân được chỉ ra nữa là do chưa có sự hướng dẫn thống nhất về chỉ tiêu liên quan đến sự tham gia của phụ nữ trong một số lĩnh vực dẫn đến khó khăn, lúng túng trong triển khai công tác bình đẳng giới tại các địa phương và Bộ, ngành...

Nhức nhối tình trạng sa thải lao động nữ trên 35 tuổi

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững do lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có có trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao. Điều đó dẫn đến tình trạng lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam (nữ khoảng 4,58 triệu đồng so với nam là 5,19 triệu đồng).

Đáng chú ý, tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó phần lớn là lao động nữ là một vấn đề lớn đáng báo động cho thị thường lao động hiện nay. “Kết quả khảo sát ở một số doanh nghiệp cho thấy có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Với lý do chính là do cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt. Vấn đề này Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để sớm có những giải pháp và can thiệp để bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ rất băn khoăn trước hiện tượng phụ nữ thất nghiệp trên 35 tuổi. Theo bà Nguyễn Thanh Hải, đây là vấn đề nhức nhối, qua tập hợp ý kiến kiến nghị cử tri thì thấy cử tri cho rằng việc sử dụng lao động trẻ, ít thâm niên, không phải trả lương cao lại có thể tận dụng sức lao động cường độ cao là lí do các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay sa thải hàng loạt lao động ở trên độ tuổi 35. Bởi những lao động giản đơn, chỉ cần đào tạo 2 tuần là có thể làm việc trong các khu công nghiệp.

Bà Nguyễn Thanh Hải cũng nhấn mạnh: Theo số liệu năm 2016, có 1,2 triệu lao động thất nghiệp trên 35 tuổi thì có đến 80% số đó là nữ, đang trong độ tuổi trụ cột của gia đình. “Tôi có tiếp xúc với một số phụ nữ thì họ phản ánh hôm nay vẫn đi làm, chiều đã nhận được quyết định sa thải mà lí do được nêu ra không rõ ràng” – bà nói.

Về nguyên nhân, bà Hải cho rằng hành lang pháp lý chưa quy định rõ vấn đề này; việc thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả, chưa phát hiện các vụ việc; đặc biệt là do trình độ năng lực, hạn chế của người kí hợp đồng lao động.

Từ thực trạng trên, bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đưa vấn đề sa thải lao động nữ trên 35 tuổi vào báo cáo mạnh mẽ hơn nữa để Quốc hội thảo luận và để cử tri thấy được kiến nghị của họ được xem xét đầy đủ./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực