Trong không khí cả nước đang đón chào Xuân mới Canh Tý 2020, chào mừng Đảng ta tròn 90 mùa xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đã dành cho Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bài phỏng vấn về những kết quả nổi bật trong hoạt động của Quốc hội năm 2019, cũng như những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ. (Ảnh: Thu Lan) |
Phóng viên: Trước hết, xin cảm ơn đồng chí đã dành cho Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cuộc phỏng vấn ý nghĩa này. Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, năm 2019 đã đi qua, đây là năm bản lề cho việc hoàn thành chương trình, kế hoạch của nhiệm kỳ Quốc hội. Đồng chí có đánh giá như thế nào về những kết quả nổi bật trong hoạt động của Quốc hội năm vừa qua?
Đồng chí Đỗ Bá Tỵ: Có thể khẳng định rằng, đến thời điểm này, năm 2019 đã đi qua với nhiều thành thành công, thành tựu về mọi mặt đối với nước ta nói chung và trong hoạt động của Quốc hội nói riêng. Năm qua, trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... gây ra nhiều khó khăn nhưng nước ta tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó tăng trưởng GDP trên 7%, lạm phát dưới 3%, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao. Những kết quả này đã khẳng định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Cùng với những kết quả chung của đất nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đã nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Quốc hội tiếp tục đổi mới các nội dung và phương thức hoạt động tại các kỳ họp; hoàn thành khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, chất lượng được nâng lên.
Về hoạt động lập pháp, năm 2019, Quốc hội đã thông qua 18 dự án luật, bộ luật với tỷ lệ đại biểu tán thành cao, trong đó có dự án luật đạt tỷ lệ 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành. Các dự án luật, bộ luật được thông qua là cơ sở pháp lý rất quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn; góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng và bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định; đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách chế độ công chức, công vụ, phòng, chống tham nhũng. Trong đó có những chính sách quan trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận cử tri như nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đối với nam là 62 tuổi, nữ là 60 tuổi (trong điều kiện lao động bình thường); tăng chế tài và xử lý vi phạm giao thông, trong đó quy định cấm điều khiển các phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, qua đó góp phần giảm tỷ lệ tai nạn giao thông ở nước ta; xây dựng chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm… Trong số các dự án Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có tới 5 Luật liên quan đến lĩnh vực Quốc phòng an ninh (Luật dân quân tự vệ (sửa đổi), Luật lực lượng dự bị động viên, Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ).
Về giám sát, trong năm 2019, Quốc hội đã tiến hành giám sát 2 chuyên đề. Giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”. Quốc hội đã chỉ ra nhiều bất cập, yếu kém trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị; làm rõ các nguyên nhân của các bất cập này, trên cơ sở đó, xác định những định hướng cơ bản cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai nhằm phát huy hiệu quả quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai nói chung và đất đai đô thị nói riêng. Với giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”, Quốc hội chỉ rõ những bất cập trong công tác quản lý và triển khai thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy đang đe dọa nghiêm trọng sự an toàn về tài sản và tính mạng của người dân; từ đó, xác định nhiều giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh trong thời gian tới.
Cùng với giám sát chuyên đề, năm 2019, Quốc hội tiếp tục có những cải tiến, nâng cao hiệu quả của hoạt động chất vấn theo phương thức “Hỏi nhanh – Đáp gọn”. Không khí cởi mở, dân chủ, đổi mới và tính chuyên nghiệp ngày càng cao trong hoạt động chất vấn đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo nhân dân và cử tri cả nước. Tiếp nối từ thành công của phiên chất vấn của Quốc hội ở Kỳ họp thứ 6, trong năm 2019, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các Nghị quyết giám sát chuyên đề, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 đối với 15 bộ trưởng, trưởng ngành. Việc làm này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội; thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát. Đây cũng là năm đầu tiên video, hình ảnh chuyên đề được sử dụng để báo cáo kết quả giám sát; lần đầu tiên Quốc hội áp dụng công nghệ thông tin sử dụng phần mềm chuyển giọng nói sang dạng văn bản trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, việc làm này giúp trả lời hết các nội dung của người hỏi và giúp Chủ tọa thuận lợi hơn trong việc tổng hợp kết quả.
Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã thảo luận kỹ, cân nhắc thận trọng, xem xét một cách toàn diện các yếu tố và thông qua nhiều Nghị quyết như: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia cùng Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành; Nghị quyết thí điểm xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội và lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội thông qua một nghị quyết có tính tổng thể về đồng bào dân tộc và miền núi với việc xem xét, thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tôi xin điểm lại một số hoạt động như vậy để thấy rằng, Quốc hội đã có một năm thực sự sôi động, hiệu quả và ở lĩnh vực nào cũng đạt được những kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao.
Phóng viên: Như đồng chí đã nói ở trên thì trong năm 2019, lần đầu tiên, Quốc hội đã xem xét, thông qua một Nghị quyết tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là sự kiện chính trị, pháp lý rất quan trọng, tác động đến đời sống của đồng bào dân tộc và khu vực miền núi ở nước ta. Phó Chủ tịch Quốc hội có thể nói rõ hơn về nội dung này?
Đồng chí Đỗ Bá Tỵ: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Thời gian qua, chúng ta đã có rất nhiều chính sách dành cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, các chính sách này còn mang tính chất dàn trải, chưa tập trung nên hiệu quả chưa cao. Nghị quyết của Quốc hội tập trung khắc phục những tồn tại này, tích hợp chính sách, tập trung nguồn lực, tập trung sự chỉ đạo, xác định rõ đối tượng, phạm vi phù hợp với thực tiễn nhằm bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả. Đến nay, đây là lần đầu tiên trong 14 nhiệm kỳ của Quốc hội có 1 Nghị quyết về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tích hợp trở thành chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Nghị quyết đã chỉ rõ các chỉ tiêu, những trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên, mục tiêu quốc gia được ban hành để tránh chồng chéo, trùng lắp, thất thoát, lãng phí và minh bạch cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện; tạo đột phá cho chính sách dân tộc nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền và địa phương; phát huy tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội của các vùng này so với cả nước, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.
Ngay sau khi ban hành Nghị quyết, Quốc hội và Chính phủ đã tổ chức Hội nghị triển khai và mong muốn rằng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị những mục tiêu được nêu trong Nghị quyết sẽ được triển khai hiệu quả.
Phóng viên: Trong Kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Phó Chủ tịch Quốc hội có thể chia sẻ thêm thông tin về điều này?
Đồng chí Đỗ Bá Tỵ: Năm 2019 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Quốc hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội. Bắt đầu từ kỳ họp thứ 7, phần mềm hỗ trợ hoạt động của đại biểu Quốc hội trên các thiết bị thông minh (máy tính bảng, điện thoại di động...) lần đầu tiên được đưa vào sử dụng với nhiều tính năng thông minh như cung cấp đầy đủ các tài liệu kỳ họp; tìm kiếm nhanh các tài liệu bằng giọng nói, tính năng đọc văn bản giấy, trao đổi, tương tác trực tuyến; theo dõi các chủ đề liên quan đến hoạt động của Quốc hội được đăng tải trên báo chí và mạng xã hội v.v.... Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc nhận dạng giọng nói đã giúp cho việc điều hành các phiên họp trở nên hiệu quả, thông suốt, phục vụ nhanh chóng việc gỡ băng ghi âm các nội dung thảo luận của Quốc hội. Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong năm 2019, Quốc hội cũng đã lần đầu tiên đã tổ chức thành công kỳ họp không giấy tờ, góp phần nâng cao tính hiệu quả, tiết kiệm trong hoạt động của Quốc hội, nhận được sự đánh giá cao của đại biểu Quốc hội và dư luận cử tri.
|
Đồng chí Đỗ Bá Tỵ trò chuyện với các chiến sỹ tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Thu Lan) |
Phóng viên: Trong năm 2020, các hoạt động trọng tâm hoạt động của Quốc hội là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Đỗ Bá Tỵ: Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, đồng thời, cũng là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng như: tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026... Đặc biệt, trong năm nay là năm Việt Nam đảm nhận 3 trọng trách của khu vực và thế giới là Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021... Khối lượng công việc đặt ra rất lớn và có ý nghĩa hệ trọng không chỉ về đối nội mà cả về đối ngoại, không chỉ cho năm 2020 mà còn cho cả giai đoạn tiếp theo.
Trong công tác lập pháp, năm 2020, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 16 Luật, cho ý kiến 7 dự án. Quốc hội tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra hoàn thành các dự án Luật đã được đưa vào chương trình, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Trước mắt là phải chuẩn bị thật tốt việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật đã được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội thông qua như: dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng... Cùng với đó, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội liên quan đến việc thực hiện cam kết mà Việt Nam đã ký trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác chiến lược và toàn diện xuyên Thái Bình Dương, phê chuẩn các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu...
Trong năm nay, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Từ cuối năm 2019, các Đoàn giám sát của Quốc hội đã đi khảo sát, giám sát ở nhiều địa phương trong cả nước để từ thực tiễn cuộc sống, Quốc hội sẽ có những quyết sách hữu hiệu hơn trong việc bảo vệ toàn diện cho trẻ em – những mầm non tương lai của đất nước. Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp. Đây là những nội dung rất lớn, thu hút sự quan tâm của nhân dân và cử tri.
Năm 2020 cũng là năm thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, tiến hành các hoạt động để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo luật định. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cũng phải tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, góp ý các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, từ đó đóng góp cho thành công của Đại hội.
Có thể thấy rằng, năm 2020 đặt ra một khối lượng công việc rất lớn đối với Quốc hội. Quốc hội sẽ không ngừng đổi mới, hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách của cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, góp phần xứng đáng với niềm tin của nhân dân và cử tri.
Phóng viên: Năm 2020, Quốc hội Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch AIPA 41. Đồng chí đánh giá như thế nào về sự kiện này?
Đồng chí Đỗ Bá Tỵ: Ngày 29/8/2019, tại Bangkok, Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Quốc hội Việt Nam nhận chiếc búa danh dự của Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) để đảm nhiệm chức Chủ tịch AIPA-41 nhiệm kỳ 2019 - 2020. Sự kiện này là một trong những dấu mốc quan trọng chuẩn bị cho năm 2020 – một năm rất đặc biệt đối với nước ta khi đồng thời đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA). Đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận đồng thời 3 trọng trách của khu vực và thế giới là: Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng ta đã xác định chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và chủ đề “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững” khi đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan của Chính để thực hiện tốt nhất, thành công nhất các vai trò này, tiếp tục khẳng định vị thế, tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Về AIPA41, ngay sau khi tiếp nhận vai trò Chủ tịch AIPA 41, Quốc hội Việt Nam đã triển khai các hoạt động để chuẩn bị cho Năm AIPA 41. Ban Chỉ đạo Quốc gia và Ban Tổ chức AIPA 41 đang phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 để tổ chức và chủ trì các sự kiện lớn của Đại hội đồng AIPA 41 nhằm thúc đẩy tiến trình hợp tác ASEAN.
Năm 2020 cũng đánh dấu chặng đường 5 năm chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột phát triển gồm: Cộng đồng An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN. Đây là thời điểm thích hợp để các nước ASEAN và các nghị viện thành viên AIPA cùng nhau nhìn lại những kết quả đã đạt được trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, vai trò của nghị viện các nước và AIPA trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm cho 5 năm tiếp theo. Trên cương vị Chủ tịch AIPA 41, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy đổi mới hoạt động của AIPA, nâng cao vị thế và vai trò của AIPA trong xây dựng Cộng đồng ASEAN. Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ AIPA, Quốc hội Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tiếp tục tăng cường hợp tác giữa AIPA với ASEAN, các tổ chức quốc tế, các cơ quan và các cơ chế hợp tác đa phương khác để thúc đẩy triển khai các cam kết, kế hoạch đề ra trong xây dựng Cộng đồng ASEAN - Tầm nhìn 2025. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ tiếp tục đề xuất các sáng kiến nhằm xây dựng AIPA trở thành một tổ chức chặt chẽ, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng lợi ích của các nghị viện thành viên; thúc đẩy sự gắn kết giữa AIPA với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và các diễn đàn nghị viện đa phương khác, mở rộng quan hệ đối tác với các nước và các tổ chức quốc tế vì sự phát triển bền vững.
Với kinh nghiệm tổ chức thành công các diễn đàn nghị viện đa phương lớn trong những năm qua, tôi tin rằng, năm Chủ tịch AIPA 2020 sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, đem lại vị thế mới cho Quốc hội Việt Nam.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn và xin kính chúc đồng chí một năm mới hạnh phúc, thành công hơn nữa trên cương vị quan trọng của mình!