|
Boeing và Airbus đang nghiên cứu giải pháp nhằm ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan trên máy bay. (Ảnh: Getty Images) |
Theo đó, các tập đoàn này sẽ nghiên cứu cách thức virus SARS-CoV-2 di chuyển trong khoang máy bay và thử nghiệm sử dụng tia cực tím (UV) để tiêu diệt virus trên bề mặt thường xuyên có tiếp xúc. Theo Wall Street Journal, một nhóm chuyên gia gồm các học giả, bác sĩ, một số các doanh nghiệp tư nhân và Trung tâm Ngăn chặn và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ cùng tham gia nghiên cứu này.
Bất chấp việc trang bị hệ thống lọc không khí hiện đại với công suất lớn trong các khoang máy bay, giải pháp phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 với việc áp dụng quy định giãn cách xã hội được cho là không khả thi, mặc dù biện pháp này được chứng minh mang lại hiệu quả cao trong việc làm giảm thiểu sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Các nhà nghiên cứu lo ngại việc ho hoặc hắt hơi của hành khách có thể lây nhiễm virus cho các hành khách khác trước khi không khí được lọc sạch. Kết quả nghiên cứu trước đó về đại dịch SARS vào năm 2002 - 2003 đã chỉ ra rằng, khách đi máy bay ngồi gần người mắc bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao hơn so với những người ngồi xa. Vì vậy, Boeing và Airbus hy vọng sẽ tìm ra một giải pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan bằng cách nghiên cứu chính xác cách thức hoạt động của virus bên trong các khoang máy bay. Trước tiên là tìm ra cách thức di chuyển của loại virus này.
Trước mắt, các chuyên gia cho rằng việc yêu cầu khách đi máy bay bắt buộc đeo khẩu trang sẽ giảm đáng kể nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan qua hắt hơi, ho và nói chuyện. Hiện tại, tất cả các hãng hàng không lớn cũng bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang trên các chuyến bay. Việc khử trùng và vệ sinh sạch sẽ trên các khoang máy bay cũng được ưu tiên thực hiện.
Boeing cho biết, tập đoàn này đang phát triển mô hình trên máy tính mô phỏng môi trường trong khoang máy bay và sẽ sớm tìm ra cách thức ngăn chặn virus lây lan. Trong khi đó, Airbus cũng đang tiến hành trao đổi thông tin với các trường đại học Mỹ và một số nước khác. Các kỹ sư của Airbus cũng tìm kiếm phương pháp giảm thiểu sự lây nhiễm virus, gồm cả việc sử dụng những chất liệu tự làm sạch, chất khử trùng có tác dụng tới 5 ngày, và lắp đặt thiết bị không cần chạm tay trong khoang vệ sinh trên máy bay.
Vấn đề kiểm soát dịch COVID-19 lây lan ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh sắp tới sẽ có nhiều hành khách sẽ bay trở lại khi đại dịch COVID-19 kết thúc. Ở thời điểm hiện tại, các hãng hàng không cho hay số khách đặt chuyến đã bắt đầu tăng sau nhiều tuần các hãng hàng không phải tạm thời đình chỉ cũng như phải cắt giảm tới 90% lịch trình bay.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra các tác động không hề nhỏ đến ngành hàng không toàn cầu do những hạn chế đi lại cũng như sự sụt giảm nhu cầu của khách du lịch. Tháng 3 vừa qua, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính các hãng hàng không trên thế giới có thể mất tới 113 tỷ USD doanh thu trong năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19.
Doanh thu giảm do thiếu khách hàng, tần suất các chuyến bay bị cắt giảm, cổ phiếu cũng đi xuống khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào ngành hàng không. Có thể nói, con số thiệt hại 113 tỷ USD là vô cùng khủng khiếp và đó cũng là con số thiệt hại lớn nhất của ngành hàng không thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008./.