Tin tưởng và kỳ vọng!

Thứ hai, 22/03/2021 23:08
(ĐCSVN) - Ngày 24/3, Quốc hội bước vào Kỳ họp 11 - kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV. Trọng tâm của Kỳ họp này là việc kiện toàn một số chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước - vấn đề luôn được nhân dân quan tâm đặc biệt và đặt nhiều kỳ vọng.

Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV. Đối với nhiều vị đại biểu, Kỳ họp thứ 11 càng trở nên đặc biệt hơn khi Kỳ họp kết thúc, nhiều đại biểu sẽ nghỉ hưu, hoặc không tiếp tục ứng cử làm đại biểu.

Dự kiến sẽ diễn ra trong 12 ngày, đây là Kỳ họp được dư luận cả nước hết sức trông đợi, bởi dù diễn ra trong khoảng thời gian khá ngắn so với nhiều kỳ họp trước, song nhìn vào khối lượng công việc của Kỳ họp thì rất lớn. Trước hết, đó là những công việc liên quan đến việc tổng kết hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước trong nhiệm kỳ 2016 – 2021. Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét các Báo cáo của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Từ thực tiễn hoạt động 5 năm qua, Quốc hội sẽ phân tích, làm rõ mặt được, chưa được trong hoạt động của Nhà nước ta; xác định nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu.

 Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: BH)

Bên cạnh việc nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm qua, Kỳ họp cuối cùng có ý nghĩa rất quyết định đến giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước. Bởi trọng tâm của Kỳ họp này là việc kiện toàn một số chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, mà công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên thực hiện sớm việc kiện toàn nhân sự. Bởi từ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI, một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước cũng được kiện toàn trước kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá mới. Đến nhiệm kỳ khoá XIII, Quốc hội cũng đã tiến hành kiện toàn nhiều chức danh quan trọng, trong đó có Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội vào kỳ họp cuối cùng.

Trở lại việc kiện toàn các chức danh lần này, đây là một công việc rất quan trọng để đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành của bộ máy nhà nước một cách liên tục, nhất là đáp ứng yêu cầu kịp thời triển khai tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Theo dự kiến, công tác nhân sự sẽ được tiến hành từ ngày 30/3. Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm, bầu: Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành bầu, miễn nhiệm: Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội, một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Tiếng nói của các Đại biểu Quốc hội cũng là tiếng nói của cử tri, là tiếng nói của Nhân dân đối với Đảng. Cử tri và Nhân dân mong mỏi và kỳ vọng với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn các đại biểu Quốc hội sẽ thể hiện chính kiến rõ ràng trong việc bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Sau khi được bầu, các tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao sẽ tuyên thệ trước Quốc hội, cử tri, đồng bào. Đại biểu Quốc hội và người dân coi Lời Tuyên thệ của các nhà lãnh đạo Nhà nước như một lời cam kết trước Quốc hội, trước Nhân dân về trách nhiệm của họ trước những vấn đề trọng đại của đất nước.   

Cử tri và Nhân dân cũng trông chờ sự quyết liệt, khẩn trương, hành động ở ngay trong các bài phát biểu nhậm chức của các vị lãnh đạo cao nhất. Từ đó, thực hiện được những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới các theo định hướng về phát triển đất nước đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đối với những đại biểu sắp tới sẽ miễn nhiệm, không giữ chức danh nữa, trước thềm kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng: “Bộ máy Nhà nước hoạt động liên tục. Những lãnh đạo được bầu rồi thì tuyên thệ và điều hành ngay. Với những đại biểu được miễn nhiệm, không giữ chức danh nữa nhưng vẫn là đại biểu Quốc hội, thì chúng ta vẫn làm nhiệm vụ của đại biểu cho đến ngày cuối cùng theo quy định”.

Quốc hội khóa XIV được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 22/5/2016. Cho đến thời điểm này, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã sắp kết thúc. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội khóa XIV vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành trọng trách mà cử tri và Nhân dân giao phó. Các kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến các hoạt động trong ngoại giao nghị viện đã góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, đóng góp lớn vào những thành tựu vô cùng ý nghĩa của công cuộc gần 35 năm đổi mới. Dù còn có điểm chưa hoàn toàn đáp ứng được như mong muốn của cử tri, song mỗi đại biểu Quốc hội có quyền tự hào về những thành tựu đó, cũng như những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của mình./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực