Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư duy lý luận về mối quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng

Chủ nhật, 21/07/2024 12:00
(ĐCSVN) - Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang của mình, nhất là trên trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương, tư duy lý luận về mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn nhất quán, xuyên suốt và được phát triển phù hợp với bối cảnh tình hình của đất nước và quốc tế.

Vào hồi 13 giờ 38 phút, ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần, hưởng thọ 80 tuổi. Điều đó có nghĩa bài phát biểu chỉ đạo mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới Hội nghị lần thứ 10 của Quân ủy Trung ương vào ngày 08/7/2024 là những chỉ đạo, kỳ vọng, lời nhắn nhủ cuối cùng của Tổng Bí thư đối với Quân ủy Trung ương và lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam. Với ý nghĩa như vậy, tinh thần “5 quyết tâm và 5 chủ động” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ có vai trò chỉ đạo đối với việc triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của Quân ủy Trung ương mà còn là sự gửi gắm niềm tin, kỳ vọng và là những nhiệm vụ quan trọng, có tầm nhìn chiến lược mà Đồng chí Nguyễn Phú Trọng giao phó cho Quân ủy Trung ương, cho lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam trước khi về cõi vĩnh hằng.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự, trước khi khai mạc Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2020. Ảnh: Vũ Phong/Báo QĐND

Các nhiệm vụ trong bài phát biểu chỉ đạo bao quát toàn diện các mặt công tác, các lĩnh vực Quân ủy Trung ương cần phải tập trung thực hiện với quyết tâm cao và sự chủ động. Trong số các nhiệm vụ quan trọng, bài viết này tập trung vào một nhiệm vụ là “Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện tốt các đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với các vùng, các địa bàn trọng điểm,…”.

Một số điểm cơ bản về quan điểm kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng của Đảng ta

Mối quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng đã được Đảng ta xác định từ khá sớm và thực hiện nhất quán, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo đất nước. Văn kiện Đại hội III của Đảng nêu rõ: “Phải kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng; trong xây dựng kinh tế, phải thấu suốt nhiệm vụ quốc phòng, cũng như trong củng cố quốc phòng phải khéo sắp xếp cho ăn khớp với công cuộc xây dựng kinh tế”. Trên tinh thần chỉ đạo như vậy, nước ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ lớn là: (i) Miền Bắc đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đồng thời củng cố quốc phòng; (ii) Chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Ở miền Nam, tại các căn cứ cách mạng, bộ đội ta vừa chiến đấu, vừa tham gia lao động sản xuất để tự cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ trực tiếp cho đời sống. Với nhiều hình thức thực hiện phong phú, việc kết hợp giữa hoạt động kinh tế và quốc phòng phù hợp với bối cảnh thời chiến, đây chính là nhân tố quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân miền Nam, tạo thế trận toàn dân để đưa cách mạng nước ta đến thắng lợi cuối cùng.

Sau khi hòa bình, thống nhất được thiết lập trên phạm vi cả nước, từ năm 1975 đến nay, mối quan hệ kinh tế với quốc phòng đã và đang được triển khai toàn diện hơn và ở phạm vi rộng lớn hơn, trở thành nội dung quan trọng của một trong mười mối quan hệ lớn mà Đảng ta xác định phải giải quyết tốt trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Việc giải quyết mối quan hệ lớn này được Đảng ta luôn thực hiện với phương châm “lưỡng dụng”; nghĩa là khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại,…, luôn gắn với các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII viết: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại.”. Theo đó, Đảng ta luôn nhất quán thực hiện mô hình phát triển tổng quát với đặc trưng phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Trên cơ sở đó, huy động sức mạnh tổng hợp dựa trên khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh toàn dân tộc với sức mạnh thời đại để huy động cao nhất mọi lực lượng trong và ngoài nước thực hiện toàn diện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó lực lượng vũ trang là cốt lõi.

Khái lược tư duy lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về mối quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng

Trong hệ thống tư duy lý luận chính trị sắc sảo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tư duy về mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng luôn nhất quán, xuyên suốt. Hơn nữa, hệ thống tư duy đó cũng nhất quán, thống nhất với tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta về mối quan hệ này. Đặc biệt, các quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh, tình hình của đất nước và quốc tế; thể hiện sự nhuần nhuyễn trong vận dụng phương pháp tư duy, dự báo của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đưa ra những đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp, nhiệm vụ đứng vững trên góc tiếp cận lịch sử - cụ thể.

Vào năm 2011 – 2012, đứng trước bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ của một cuộc suy thoái mới, nhiều nhân tố ảnh hưởng tới sự ổn định và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, bối cảnh trong nước đan xen giữa cơ hội và thách thức và đặc biệt là tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội”.

Vào năm 2016 – 2017, những năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trước bối cảnh nhiều thuận lợi, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang có khí thế đi lên, Đồng chí đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kinh tế gắn với quốc phòng nhưng có trọng tâm: “Cổ phần hóa doanh nghiệp, sắp xếp lại doanh nghiệp làm kinh tế; quản lý đất đai, quản lý tài sản, quản lý tài chính.” Đồng thời, với tư duy phát triển bao trùm, không bỏ lại ai ở phía sau, đồng chí đã quan tâm tới không chỉ đồng bào nghèo mà còn chăm lo cả đời sống của bộ đội; Đồng chí đã chỉ đạo: “Chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phòng tránh và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Có biện pháp nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội và thực hiện chính sách hậu phương quân đội.” Như vậy, trong tư duy của Tổng Bí thư, mối quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng còn được thể hiện ở mối quan hệ giữa bộ đội và nhân dân, thể hiện ở những chính sách kinh tế của Nhà nước đối với bộ đội. Điều đó cho thấy sự toàn diện, bao quát trong tư duy của Đồng chí về mối quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng.

 Ngày 19/12/2019, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương trò chuyện cùng Đoàn đại biểu điển hình tiên tiến toàn quốc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh giai đoạn 2009-2019. Ảnh: Tuấn Huy/Báo QĐND

Vào năm 2020 – 2021, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của Đại hội XII của Đảng đề ra và tiến tới Đại hội XIII của Đảng, tình hình kinh tế - chính trị thế giới khó lường, diễn biến kinh tế - xã hội trong nước phức tạp trước tiến trình phát triển của dịch bệnh COVID-19, Đồng chí đã có những chỉ đạo phù hợp với bối cảnh mới: “Phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân vững mạnh; xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc, liên kết chặt chẽ trong thế trận phòng thủ của các quân khu; hoàn chỉnh quy hoạch tổng thế bố trí quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội.” Có thể nói rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có tầm nhìn xa trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo; ở đây, với tư duy quy hoạch bố trí quốc phòng đi trước quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của toàn quốc, vùng và toàn bộ tỉnh, thành phố được hình thành đồng bộ. Đặc biệt, nếu cân nhắc đến 06 Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên sáu vùng kinh tế, thì có thể thấy được tư duy toàn diện, nhất quán và xuyên suốt của Đồng chí trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng.

Vào năm 2022 – 2023, tình hình thế giới có nhiều biến động khi các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị gay gắt, quyết liệt; xu hướng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao trở nên phổ biến; tình hình phát triển kinh tế trong nước chưa thực sự bền vững, chịu ảnh hưởng từ những đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột quân sự Nga – Ucraina, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội. Nghiên cứu, điều chỉnh thế bố trí lực lượng phù hợp với tiến trình điều chỉnh tổ chức quân đội trong tình hình mới; phát huy tốt vai trò của các binh đoàn, đoàn kinh tế - quốc phòng tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn chiến lược đặc biệt khó khăn dọc tuyến biên giới đất liền và các vùng biển đảo, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, “phên dậu”, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo quốc gia.” Như vậy, ở đây Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã phát triển mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng thành mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng. Sự mở rộng mối quan hệ này cho thấy tư duy lý luận sắc bén của Đồng chí Tổng Bí thư về không ngừng phát triển trên cơ sở kết hợp giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn. Trong giai đoạn 2016 – 2022, có thể nhận định rằng khi nhìn nhận mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng theo góc độ của phát triển bao trùm, không bỏ lại ai ở phía sau, Đồng chí đã nhận thấy sự gắn bó chặt chẽ, hữu cơ giữa bộ ba kinh tế, xã hội và quốc phòng. Theo đó, mối quan hệ bộ ba kinh tế, xã hội và quốc phòng đã hoàn toàn ăn khớp với những nội dung cơ bản của thế trận quốc phòng toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, thế trận lòng dân và sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Có thể khẳng định, trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương, tư duy lý luận về mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn nhất quán, xuyên suốt và được phát triển phù hợp với bối cảnh tình hình của đất nước và quốc tế. Mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng đã được phát triển toàn diện thành mối quan hệ giữa kinh tế, xã hội và quốc phòng là một trong những phát hiện mới về mặt lý luận của Đồng chí Tổng Bí thư để lại cho Đảng, cho lực lượng vũ trang. Đây cũng là kỳ vọng, nhiệm vụ mà Tổng Bí thư giao cho Quân ủy Trung ương, cho lực lượng vũ trang thực hiện trong giai đoạn sắp tới trước khi về với cõi vĩnh hằng.

Để có thể hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề đó, cần hiểu chính xác và rõ ràng có hệ thống quan điểm của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cụ thể, kết hợp giữa kinh tế, xã hội và quốc phòng cần chú trọng đến những điểm: (1) Chủ thể tham gia là doanh nghiệp quốc phòng, binh đoàn, đoàn kinh tế - quốc phòng; (2) Địa bàn là ở cả vùng thuận lợi tới vùng khó khăn, trong đó đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng “phên dậu” của Tổ quốc, biển, đảo; (3) Cơ chế kết hợp là đảm bảo mối liên hệ gắn kết giữa bộ đội và nhân dân; (4) Chính sách kinh tế của Nhà nước phải đảm bảo đời sống của bộ đội; và (5) tập trung quản lý tốt tài sản, tài chính của quân đội.

Trong những ngày này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đều đang vô cùng đau xót trước sự ra đi của một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo được muôn vàn người dân yêu mến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân. Có lẽ một trong những cách thức để tưởng nhớ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thiết thực và đơn giản như cuộc đời của Đồng chí là biến những kỳ vọng, lời nhắn nhủ, giao nhiệm vụ của đồng chí trở thành hiện thực bằng những việc làm thiết thực và cụ thể./.

TS. Đỗ Tất Cường, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực