Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước

Thứ tư, 27/11/2019 15:28
(ĐCSVN) – 236 đại biểu tuổi không quá 35, có quốc tịch Việt Nam hoặc gốc Việt Nam đến từ 23 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ toàn cầu lần thứ II đều mang theo khát vọng được cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

Với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước”, Diễn đàn Trí thức trẻ toàn cầu lần thứ II do Trung ương Đoàn tổ chức tại Hà Nội từ ngày 26-28/11 là hoạt động để trí thức trẻ người Việt trong và ngoài nước thể hiện vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với đất nước, đề xuất các sáng kiến về cơ chế thu hút nhân tài, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bảo vệ môi trường gắn với cải thiện đời sống người dân

Là nghiên cứu sinh ngành nghiên cứu phát triển, anh Lê Duy Anh, trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh tham gia diễn đàn với mong muốn xây dựng mạng lưới định hướng các bạn trẻ có cùng sở thích liên kết với nhau thực hiện các dự án trong tương lai.

Sau 12 năm học tập và làm việc tại Anh, anh Duy Anh đang thực hiện dự án về nước sạch và bảo vệ môi trường tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án nhưng anh quyết tâm áp dụng bằng được những kiến thức được học, những kinh nghiệm cũng như các mối quan hệ để hiện thực hóa dự án tại địa phương.

"Nước ta đang có khoảng 20 triệu người chưa được tiếp cận với các nhà tiêu hợp vệ sinh, chủ yếu do thói quen xấu. Nghiên cứu của mình áp dụng lý thuyết về tâm lý hành vi để can thiệp tác động cho người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long giúp họ thay đổi thói quen, vì đó là cách dễ nhất để hạn chế bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, bệnh lây qua nguồn nước phát tán ở khu vực có nguồn nước", Lê Duy Anh chia sẻ.

leftcenterrightdel
Đại biểu Lê Duy Anh

Còn với TS Nguyễn Hồng Nhung Dương, giảng viên khoa Công nghệ sinh học, Đại học Quốc tế, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, chị muốn chia sẻ rộng rãi với các đại biểu trẻ có mặt tại Diễn đàn lợi ích của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ từ cây neem.

Xuất phát từ thực tế việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ khiến dư lượng trên rau quả vượt ngưỡng cho phép mà còn nhiễm độc tài nguyên đất, nước... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, TS Dương – người từng bảo vệ TS chuyên ngành Kỹ thuật Hóa học tại trường Đại học Oklahoma, Hoa Kỳ đã có bước đột phá trong công nghệ sản xuất các chế phẩm nano phục vụ nông nghiệp từ rừng neem phòng hộ ở Việt Nam, vừa góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, tăng năng suất mùa vụ, vừa không gây hại cho người.

“Cây neem sở hữu nhiều đặc tính ưu việt như khả năng kháng viêm và kháng khuẩn cao, có thể chống sâu bệnh trên cây trồng hiệu quả nhưng không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Kết quả nghiên cứu còn thúc đẩy việc sử dụng các hợp chất tự nhiên trong bảo vệ rau quả, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng; đóng góp vào ngành công nghiệp dược mỹ phẩm và hóa chất. Đời sống người dân, nhất là những địa phương có diện tích trồng neem lớn như ở Ninh Thuận cũng được cải thiện khi nghiên cứu được áp dụng rộng rãi”, TS trẻ cho hay.

"Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển và rất cần những tài năng trẻ góp phần chung tay xây dựng. Trong quá trình nghiên cứu, tôi và cộng sự đã gặp không ít khó khăn nhất là trang thiết bị nghiên cứu, thực nghiệm nhưng chính tinh thần không bỏ cuộc đã giúp nhóm vượt qua. Các bạn trẻ hãy nỗ lực trau dồi, rèn luyện bản thân, đừng ngại thử thách chính mình để đưa đất nước đi lên", TS Dương nhắn nhủ.

Tìm nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của người lao động

Dành tình cảm cho người lao động, TS Đào Quyết Thắng, giảng viên Đại học Quy Nhơn trăn trở: "Trong thời đại công nghệ 4.0, máy móc, thiết bị hiện đại dần thay thế cho con người, khiến người lao động áp lực hơn. Tuy nhiên trong bất kì lĩnh vực nào, người lao động vẫn luôn là nhân tố tiên quyết, không thể nào tách rời hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp".

Đem tới Diễn đàn dự án mới: “Các nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của người lao động trong doanh nghiệp: nghiên cứu trường hợp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại Việt Nam”, TS Thắng chia sẻ, tìm ra nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nhằm gợi ý cho các doanh nghiệp đưa ra các giải pháp kích thích động lực làm việc của người lao động trong doanh nghiệp.

“Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ dễ thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đang tạo ra nhiều tranh cãi. Liệu giá nhân lực Việt Nam có thật sự rẻ hay không khi lao động Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu công việc? Thêm vào đó, nguồn nhân lực dồi dào giá rẻ phải chăng đang chứng tỏ năng lực lao động của lao động Việt Nam khá thấp? Vấn đề xuất khẩu lao động cũng đang là vấn đề nổi lên hiện nay cần tìm ra những phương án giải quyết…”, vị TS trẻ đặt vấn đề.

Cùng cộng sự khảo sát thực tế tại nhiều khu công nghiệp ở Việt Nam, 5 nhân tố ảnh hưởng tới động lực làm việc của người lao động đã được chỉ ra. Bao gồm: bản chất công việc, quan hệ xã hội, sự quan tâm và thừa nhận của lãnh đạo doanh nghiệp, cơ hội học tập và thăng tiến, yếu tố vật chất. Trong đó bản chất công việc là tác động mạnh nhất và yếu tố vật chất là tác động yếu nhất đến động lực làm việc của người lao động, anh Thắng chia sẻ.

Để đạt được kết quả trên, nghiên cứu của TS Đào Quyết Thắng đã trải qua nhiều thách thức. “Khó khăn lớn nhất là khả năng tiếp cận thông tin chính xác. Người lao động khá e dè trong chia sẻ thông tin của họ với nhóm nghiên cứu. Các thông tin của họ chia sẻ nhiều khi mang tính đối phó và giấu giếm các nhận định chính xác mà họ suy nghĩ… Phải mất rất nhiều thời gian để tiếp cận, nói chuyện, tạo niềm tin thì nhóm mới có thể thu thập được các thông tin đáng tin cậy của 225 lao động làm việc trong các khu công nghiệp”, TS Thắng nói.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tuổi không quá 35, có quốc tịch Việt Nam hoặc gốc Việt Nam đến từ 23 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ toàn cầu lần thứ II .

Xây dựng hình mẫu nhà lãnh đạo, quản lý trẻ

Đã từng có nhiều bài báo, tham luận nội dung đề tài xoay quanh định hướng hệ giá trị xã hội cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ths Nguyễn Hữu Hoàng cho hay, việc nghiên cứu về hình mẫu các nhà lãnh đạo, quản lí trẻ hướng tới tạo ra một định hướng tích cực cho những bạn trẻ có khả năng quản lí, lãnh đạo tự rèn luyện; giúp các bạn không ngừng phát triển bản thân một cách có kế hoạch, có định hướng, vượt qua thách thức để đóng góp hết sức mình xây dựng xã hội, đất nước.

“Đến với Diễn đàn tôi mong muốn đúc kết giá trị, hình mẫu tiêu biểu, điển hình, mới mẻ của các nhà lãnh đạo, quản lý trẻ từ đó xây dựng Chiến lược phát triển đội ngũ lãnh đạo trẻ, tài năng của đất nước trong giai đoạn mới nếu được nghiên cứu bài bản, trên diện rộng.

Thế hệ trẻ có vai trò quan trọng góp phần phát triển đất nước. Những nhà lãnh đạo trẻ tự tin, năng động, sáng tạo, có chiến lược, cái nhìn mới sẽ là những hạt nhân tiềm năng đưa đất nước đi lên. Vậy đâu là hình mẫu chung nhất, hợp thời nhất của các nhà lãnh đạo, quản lý trẻ nước ta trong xã hội mà các thang bậc giá trị xã hội có phần "đảo lộn"? Đó là điều tôi tâm đắc và muốn tìm câu trả lời tại Diễn đàn", giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II nói./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực