Triển vọng trong cuộc chiến đẩy lùi COVID-19

Số ca nhiễm trên thế giới tiếp tục tiến xa mốc 51 triệu
Thứ ba, 10/11/2020 08:54
(ĐCSVN) – Ngày 9/11, các hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo thử nghiệm thành công giai đoạn 3 trên người một loại vaccine phòng COVID-19, với hiệu quả lên tới hơn 90%, vaccine Sputnik V của Nga cũng được công bố có hiệu quả tương tự. Đây là những thông tin tốt lành trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19...
 Khách du lịch đeo khẩu trang khi thăm quan công viên quốc gia National Mall tại Washington, D.C, ngày 8/11/2020. (Ảnh: Xinhua)

Ngày 9/11, đại diện của Bộ Y tế Nga Oksana Drapkina dẫn dữ liệu tổng hợp từ các hoạt động tiêm chủng trên diện rộng tuyên bố vaccine ngừa COVID-19 của nước này có hiệu quả lên tới hơn 90%. 

Tuyên bố của bà Drapkina – giám đốc của một viện nghiên cứu thuộc sự quản lý của Bộ Y tế Nga nêu rõ: “Chúng tôi chịu trách nhiệm giám sát hiệu quả của vaccine Sputnik V trong các công dân, những người đã được tiêm loại vaccine này trong một phần của chương trình tiêm chủng đại trà. Dựa trên các hoạt động giám sát của chúng tôi, vaccine cũng có hiệu quả lên đến 90%. Sự xuất hiện của các loại vaccine hiệu quả khác là tin tức tức tốt lành cho mọi người”.

Trước đó cùng ngày, các hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo thử nghiệm thành công giai đoạn 3 trên người một loại vaccine phòng COVID-19, với hiệu quả lên tới hơn 90%. Pfizer và BioNTech hi vọng loại vaccine trên sẽ được các nhà chức trách cấp phép “sử dụng khẩn cấp” trên quy mô rộng cho những người 16-85 tuổi. Để làm được điều đó, các hãng này cần cung cấp các dữ liệu chứng minh vaccine an toàn với ít nhất 50% trong tổng số 43.000 tình nguyện viên tham gia. Nếu được cấp phép, hai hãng này khẳng định đủ sức sản xuất 50 triệu liều vaccine trước cuối năm nay và 1,3 tỉ liều trong năm 2021.

Theo số liệu thống kê cụ thể do trang web worldometers.info công bố sáng 10/11, đại dịch COVID-19 hiện đang tác động tới 216 vùng lãnh thổ và quốc gia trên thế giới. Mỹ đang là nước đứng đầu bảng thống kê, với 10.419.027 ca nhiễm và 122.760 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh tại quốc gia này được dự báo là sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu trong những ngày tới do các cuộc biểu tình sau bầu cử.

Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 12.387.088 trường hợp. Trong 24 giờ qua,  Pháp ghi nhận thêm 20.155 ca nhiễm và đang là nước  bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 1.807.479 trường hợp. Tiếp theo sau là Nga, Tây Ban Nha và Anh, với lần lượt:  1.796.132; 1.426.602; 1.213.363 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Bắc Mỹ cũng đang diễn biến nghiêm trọng không kém châu Âu, với con số gần tương đương là 12.361.295 ca nhiễm COVID-19. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 135.797 ca nhiễm mới.

Tính đến sáng 10/11, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 14.510.817 trường hợp, sau khi ghi nhận thêm 84.896 ca mắc mới trong 24 giờ qua.  Hiện khu vực này ghi nhận 256.868 ca tử vong vì COVID-19 và 12.958.863 ca phục hồi sau dịch bệnh. Trong tổng số 1.295.086 ca đang điều trị thì có 23.421 ca trong tình trạng nguy kịch.

Về tình hình dịch bệnh ở Nam Mỹ, trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 28.497 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng  ca bệnh tính tới thời điểm hiện tại lên tới con số 10.026.362. Brazil, Argentina, Colombia đang là những nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với lần lượt: 5.675.766 1.250.499; 1.149.063 ca.

Trong 24 giờ qua, châu Phi ghi nhận thêm 9.371 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại lục địa đen lên 1.903.096 trường hợp, trong đó có 45.684 ca tử vong và 1.603.562 ca bình phục.

Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Đại Dương là 41.014 trường hợp. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 702 ca mắc mới COVID-19, với 10 ca ở Australia, 685 ca ở French Polynesia , 4 ca ở New Zealand và 3 ca còn lại ở Solomon Islands./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực