Từ 1/7/2019, mức đóng bảo hiểm y tế thay đổi như thế nào?

Thứ hai, 01/07/2019 11:03
(ĐCSVN) – Kể từ ngày hôm nay (1/7), mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng. Do đó, những người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình sẽ có thay đổi về mức đóng BHYT.

Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật Bảo hiểm y tế, quy định mức đóng BHYT hộ gia đình của người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Theo đó, khi tăng lương cơ sở, mức đóng BHYT của người thứ nhất tăng cao nhất, thêm 4.500 đồng/tháng, người thứ 5 trở đi chỉ tăng 1.800 đồng/tháng.

Infographic: BHXH Việt Nam

Cụ thể:

- Người thứ nhất: 67.050 đồng/tháng; 1 năm là: 804.600 đồng. Hiện nay người thứ nhất: 62.550 đồng/tháng; 1 năm là: 750.600 đồng.

- Người thứ 2: 46.935 đồng/tháng; 1 năm là: 563.220 đồng. Hiện nay mức đóng người thứ 2: 43.785 đồng/tháng; 1 năm là: 525.420 đồng.

- Người thứ 3: 40.230 đồng/tháng; 1 năm là: 482.760 đồng. Hiện nay mức đóng người thứ 3: 37.530 đồng/tháng; 1 năm là: 450.360 đồng.

- Người thứ 4: 33.525 đồng/tháng; 1 năm là: 405.300 đồng. Hiện nay mức đóng  người thứ 4: 31.275 đồng/tháng; 1 năm là: 375.300 đồng.

- Từ người thứ 5 trở đi: 26.820 đồng/tháng; 1 năm là: 321.840 đồng. Hiện nay mức đóng từ người thứ 5 trở đi: 25.020 đồng/tháng; 1 năm là: 300.240 đồng.

Cũng theo Nghị định 146, mức hưởng của người tham gia BHYT theo hộ gia đình là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Trong trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, người bệnh được thanh toán 40% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện./.

Thúy Hạnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực