|
Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng (Ảnh minh họa: LePoint.fr) |
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 23/3, đã có 100.255.687 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 21.297.726 ca bệnh đang điều trị, có 21.206.904 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 90.822 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 53.386 ca nhiễm, Brazil tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Mỹ (45.748 ca) và Ấn Độ (40.611 ca). Đồng thời, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.570 ca, sau đó là Mỹ (636 ca) và Italy (386 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 37.731.976 ca, trong đó có 881.098 ca tử vong và 26.743.852 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 134.894 ca nhiễm và 2.697 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Anh, Pháp tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 4.466.153; 4.301.925 và 4.298.395 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 126.172 ca, sau khi có thêm 17 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (105.328 ca) và Pháp (92.621 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 55.689 ca nhiễm COVID-19 và 935 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 35.163.499 và 804.594 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Với 30.576.962 ca nhiễm và 555.945 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.195.772 và 938.719 ca nhiễm, cùng 198.036 và 22.716 ca tử vong vì COVID-19.
Với 27.088.569 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 23/3, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 417.452 ca đã tử vong do COVID-19 và 25.179.158 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 11.686.330; 3.035.338 và 1.808.422 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 160.200; 30.178 và 61.877 ca.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 82.713 ca nhiễm và 2.133 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 20.101.456 ca và 520.293 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 53.386 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 12.051.619 vào thời điểm hiện tại, và 1.570 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 295.685 ca.
Tính đến sáng 23/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.148.021 ca, trong đó có 110.405 ca tử vong và 3.706.720 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.538.451 ca nhiễm và 52.196 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 599 ca nhiễm và 85 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 491.834 và 245.923 ca nhiễm bệnh cùng 8.769 và 8.569 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 54.143 ca nhiễm (tăng 313 ca) và 1.115 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 9 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.205 ca, trong đó 909 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới và tử vong tăng không ngừng, ngày 23/3, Uruguay thông báo ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tại Brazil. Theo đó, có 24 ca được xác định nhiễm biến thể P1 và 4 ca nhiễm biến thể P2 trong tổng số 175 mẫu xét nghiệm COVID-19. Hai biến thể P1 và P2 đều được xác định đang lây lan mạnh tại Brazil. Theo những nghiên cứu mới nhất, hai biến thể này có khả năng làm suy yếu kháng thể, làm gia tăng nguy cơ tái nhiễm và làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19./.