Ngay sau khi kết quả trúng cử được công bố, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự khoá họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LQH) ở New York, Mỹ, đã có cuộc trả lời phỏng vấn.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự khoá họp Đại Hội đồng LQH
PV: Thưa Thứ trưởng, như vậy chúng ta đã trúng cử làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Kết quả này có nằm trong dự tính của chúng ta không và việc trúng cử với số phiếu cao như vậy có ý nghĩa như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung: Trong quá trình chuẩn bị, chúng ta cũng dự kiến Việt Nam đạt số phiếu cao nhưng cao như vậy thì cũng ít người nghĩ đến, chỉ thiếu 1 phiếu là đạt 100% số phiếu. Ý nghĩa lớn nhất của việc này là sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, phát triển của Việt Nam và cũng đánh giá cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và đây cũng là sự nhìn nhận những thành tựu của Việt Nam trong quá trình đổi mới.
Sau kết quả bỏ phiếu hôm nay, cá nhân tôi suy nghĩ nhiều về ý nghĩa của sự kiện này bởi trong tuyên ngôn độc lập Bác Hồ có nói là các nước đồng minh, chính là các nước Liên hợp quốc, đã ủng hộ nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc trong hiệp định Cựu Kim Sơn, thực chất là hiệp định thành lập Liên hợp quốc, sẽ tôn trọng độc lập của Việt Nam, đó là yêu cầu và mong mỏi của Bác lúc bấy giờ và giờ đây Việt Nam không những có độc lập mà còn ngồi ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đóng góp vào việc phát huy nguyên tắc của Liên hợp quốc về độc lập.
Một ý nghĩa nữa là số phiếu cao hôm nay cho thấy sức mạnh của Việt Nam và Việt Nam có vị trí rất đặc biệt trong trái tim của cộng đồng quốc tế.
PV: Thứ trưởng đã trực tiếp tham gia và chứng kiến cả hai thời điểm quan trọng khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vậy theo đánh giá của ông đâu là thuận lợi và thách thức khi chúng ta tiếp quản trọng trách này từ năm tới?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung: Tôi nghĩ điểm chung của cả hai lần là đây là công việc của Hội đồng Bảo an, cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc, có quyền lực đặc biệt, có trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của Liên hợp quốc có quyền quyết định cưỡng chế liên quan đến hòa bình, an ninh và những quyết định đó tác động trực tiếp đến các quốc gia, cho nên điểm chung của cả hai lần Việt Nam được bầu là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an là chúng ta tham gia vào công việc Hội đồng Bảo an quan trọng, đặc biệt, và phức tạp.
Nhưng điểm khác biệt đồng thời cũng là thuận lợi là lần này chúng ta có kinh nghiệm bởi đây là lần thứ hai chúng ta tham gia. Tình hình thế giới hiện nay cũng phức tạp hơn so với trước đây, đó là tình hình Trung Đông, là sự khác biệt giữa các nước lớn, và khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện được cộng đồng quốc tế đánh giá là có nhiều rủi ro, thách thức đối với hòa bình, an ninh và những rủi ro này lớn hơn so với cách đây 10 năm khi chúng ta là ủy viên không thường trực lần đầu tiên.
Nhưng thuận lợi cũng rất nhiều vì cũng như cách đây ít năm, hòa bình, phát triển vẫn là xu thế và chúng ta đã có kinh nghiệm hơn, đặc biệt là đường lối đối ngoại hòa bình hợp tác và phát triển đa phương hóa đa dạng hóa của chúng ta và nhất là quan điểm lớn của chúng ta trên cộng đồng quốc tế, trên chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an là được các nước ủng hộ, chính vì vậy các nước đã ủng hộ ta với số phiếu cao như vậy và so với cách đây 10 năm thì những thành tựu đổi mới của ta giờ đã được khẳng định.
PV: Để có thể giải quyết tốt những thách thức đó, chúng ta đã có những chuẩn bị như thế nào để có thể đảm nhiệm tốt vai trò ở Hội đồng Bảo an, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung: Tôi nghĩ rằng trong quá trình chuẩn bị, chúng ta đã đánh giá những thuận lợi, thách thức như tôi đã trao đổi đồng thời đường lối đối ngoại của chúng ta là đúng đắn và được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế mà như hôm nay chúng ta đã nhìn thấy, và chúng ta cũng ở một vị thế khác được phản ánh trên số phiếu ủng hộ chúng ta lần này.
Điều quan trọng là trên cơ sở thuận lợi đó cần nhìn nhận những thách thức bởi chúng ta sẽ phải chuẩn bị đưa ra những lập trường và quan điểm cụ thể trên các vấn đề tại Hội đồng Bảo an dựa trên đánh giá bối cảnh chung, đánh giá lợi ích các nước liên quan vấn đề đó như thế nào bởi 70-80% các vấn đề ở Hội đồng Bảo an là các vấn đề khu vực liên quan trực tiếp lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực và đồng thời dựa trên quan điểm của chúng ta và dựa trên sự quan tâm của cộng đồng quốc tế bởi khi cam kết trở thành ủy viên Hội đồng Bảo an, chúng ta đã hứa với các thành viên Liên hợp quốc là chúng ta sẽ cân nhắc lợi ích, ưu tiên của họ trước khi đưa ra quyết định.
Điều thứ hai rất quan trọng là chúng ta phải có cơ chế phối hợp, cơ chế báo cáo bởi công việc đối ngoại của chúng ta đặt dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, và trong quá trình trao đổi với các quốc gia để có sự ủng hộ của họ thì lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp tham gia vào quá trình này.
Sau này khi chúng ta đưa ra các quyết định tại Hội đồng Bảo an thì đòi hỏi có sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp cao nhưng đồng thời chúng ta phải có cơ chế phối hợp làm sao để kịp thời có quan điểm hoặc bằng phát biểu, hoặc bằng lá phiếu hoặc bằng các hoạt động khác như tham gia các nhóm làm việc, tham gia các nhóm thương lượng, để cùng các quốc gia thúc đẩy các vấn đề về lợi ích chung, đồng thời cũng phản ánh quan điểm của chúng ta.
Điểm thứ ba là làm sao cũng chuẩn bị được nguồn nhân lực trong cả một quá trình kéo dài hai năm trong khi khối lượng công việc ở Hội đồng Bảo an hiện tăng gấp hai đến ba lần so với trước đây, cho nên cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành có liên quan, cơ chế báo cáo lãnh đạo như thế nào, phối hợp giữa các đơn vị trong bộ ngoại giao, và phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc.
PV: Xin cám ơn Thứ trưởng!