Việt Nam đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982

Thứ năm, 14/11/2019 23:01
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định: Trong 25 năm qua, Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đồng thời có nhiều nỗ lực thực thi Công ước trên Biển Đông.

Chiều ngày 14/11/2019, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có hiệu lực và Việt Nam trở thành thành viên UNCLOS.

Tham dự Lễ kỷ niệm có gần 200 đại biểu bao gồm đại diện các bộ, ngành chủ chốt liên quan đến việc thực thi UNCLOS, một số Đại sứ và đại diện ngoại giao đoàn tại Hà Nội và hơn 100 đại biểu đến từ 22 thành viên tham dự Hội thảo Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về vận dụng UNCLOS và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi trên biển, được tổ chức trong các ngày 13 – 14/11/2019.

Lễ kỷ niệm 25 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có hiệu lực và Việt Nam trở thành thành viên UNCLOS

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã khẳng định vai trò của Công ước trong việc duy trì trật tự trên biển, khai thác, sử dụng và bảo tồn biển và đại dương suốt 25 năm qua. Với 320 Điều và 9 Phụ lục điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 được coi là “Hiến pháp về biển và đại dương”, là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động sử dụng và hợp tác về biển ở cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới. Cho tới nay, Công ước đã có 168 quốc gia thành viên và hầu hết các quy định của Công ước đã trở thành tập quán quốc tế. Vì vậy, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế toàn cầu quan trọng thứ hai sau Hiến chương Liên hợp quốc trong giai đoạn sau năm 1945. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 đã thực sự trở thành căn cứ pháp lý quốc tế vững chắc để xác định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của quốc gia ven biển, đồng thời cũng là cơ sở để xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương. 

Trong 25 năm qua, Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đồng thời có nhiều nỗ lực thực thi Công ước trên Biển Đông. Trước hết, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý và sử dụng biển trên cơ sở phù hợp với UNCLOS. Trong đó, quan trọng nhất là Luật Biển Việt Nam năm 2012 - cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo.Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Việt Nam chủ trương kiên trì giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Thực hiện chủ trương này, Việt Nam đã tiến hành đàm phán và ký các điều ước quốc tế về phân định biển với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, phân định vùng đặc quyền kinh tế với In-đô-nê-xi-a và phân định biển với các quốc gia láng giềng khác.

Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển với hình thức hợp tác đa dạng và nội dung ngày càng đi vào chiều sâu nhằm khai thác tối đa các tiềm năng của biển cũng như giải quyết, xử lý các thách thức đặt ra nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Trong lĩnh vực hợp tác cùng phát triển, Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi với các quốc gia trên cơ sở quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các tiêu chí của Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển thuộc Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Với chủ trương này, Việt Nam đang duy trì các cơ chế về hợp tác cùng phát triển với các nước ven Biển Đông như hợp tác tài nguyên khoáng sản khu vực thềm lục địa chồng lấn với Ma-lai-xi-a, hợp tác nghề cá và dầu khí tại Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Trong các lĩnh vực chuyên ngành, đại diện của Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chia sẻ nỗ lực của Việt Nam như bảo vệ chủ quyền biển, đảo, quản lý tài nguyên và nguồn lợi biển, bảo vệ môi trường biển… Nỗ lực của các Bộ, ngành không chỉ phản ánh qua các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật mà còn qua các hành động cụ thể, ở tất cả các cấp. Điều này cho thấy, việc tôn trọng và thực hiện đầy đủ Công ước Luật biển là ý chí và hành động chung của Chính phủ, các Bộ ngành và chính quyền ở tất cả các cấp của Việt Nam.

Thời gian qua, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, vi phạm nghiêm trọng các quyền của Việt Nam và các nước trong khu vực được quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam kiên trì quan điểm tôn trọng và tuân thủ đầy đủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không có những hành động diễn giải sai trái hay cố tình hạ thấp ý nghĩa, vai trò của Công ước. Bất cứ yêu sách nào về biển cũng phải được xây dựng trên cơ sở và trong phạm vi cho phép của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước, các bên liên quan cần giải quyết thông qua thương lượng hoặc các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Trong khi chưa giải quyết được bất đồng, các bên cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ngày 04/11/2002 (DOC), kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực; tham gia đàm phán một cách thiện chí, xây dựng nhằm sớm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực