Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Triều Tiên tiến hành thử tên lửa ngày 29/11/2017, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Việt Nam hết sức quan ngại trước việc Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tiếp tục tiến hành thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 29/11/2017, vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực. Việt Nam nhất quán ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên; kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có những hành động mang tính xây dựng, thiết thực đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và trên thế giới, vì lợi ích của người dân.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc hỗ trợ công dân và khách du lịch Việt Nam di chuyển ra khỏi Ba-li (In-đô-nê-xi-a) sau khi núi lửa Agung hoạt động, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại In-đô-nê-xi-a, ngay sau khi In-đô-nê-xi-a ra cảnh báo về những hoạt động của núi lửa Agung, Đại sứ quán đã liên tục cập nhật thông tin qua truyền thông và internet, thiết lập đường dây nóng, cử cán bộ trực, trả lời kịp thời các yêu cầu giúp đỡ của công dân và khách du lịch Việt Nam, kết nối và nhờ người dân địa phương hỗ trợ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Đại sứ quán đã hướng dẫn trên 60 công dân Việt Nam là khách du lịch tại Ba-li di chuyển đến nơi an toàn. Như vậy cho đến nay, cơ bản các công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Ba-li đã được Đại sứ quán hỗ trợ, hướng dẫn ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Hiện nay Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã hạ mức cảnh báo xuống cấp độ màu da cam (cấp độ 3 trên tổng số 4 cấp độ), đồng thời mở cửa trở lại sân bay quốc tế Ba-li và một số hãng hàng không đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, do khả năng các hoạt động địa chất tại núi lửa Agung và tình hình tại Ba-li vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Đại sứ quán vẫn tiếp tục theo dõi sát tình hình và khuyến cáo khách du lịch không nên đến Ba-li vào thời điểm này cho đến khi Chính phủ In-đô-nê-xi-a hạ mức cảnh báo. Đại sứ quán cũng cắt cử cán bộ trực đường dây nóng, lên kế hoạch cử người và phương tiện hỗ trợ các công dân Việt Nam tại Ba-li trong trường hợp núi lửa hoạt động trở lại.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vụ đánh bom khủng bố tại Ai Cập ngày 24/11/2017, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ đánh bom khủng bố man rợ tại bán đảo Xi-nai, Ai Cập, khiến nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương.
Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến Chính phủ, nhân dân Ai Cập và gia đình các nạn nhân của vụ khủng bố và cho rằng những kẻ gây ra vụ tấn công khủng bố trên phải bị trừng trị đích đáng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến khả năng EU trở thành thành viên của Cấp cao Đông Á (EAS), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
"Quan hệ hợp tác ASEAN – EU thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các mặt. Việt Nam đánh giá cao việc EU tiếp tục cam kết tăng cường hợp tác với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Việt Nam mong muốn EU tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực hơn vào các cơ chế hợp tác khu vực của ASEAN, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác, phát triển, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Việt Nam sẽ tích cực cùng các nước xem xét đề nghị của EU trở thành thành viên của EAS trên cơ sở đồng thuận chung ASEAN khi cơ chế này xem xét mở rộng thành viên”. /.