Việt Nam mong muốn EU hành động mạnh mẽ hơn để cùng giải quyết các thách thức toàn cầu
Thứ bảy, 08/06/2024 09:51 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò của EU và bày tỏ mong muốn liên minh có tiếng nói và đóng góp tích cực, trách nhiệm hơn nữa tại hệ thống đa phương.
|
Cuộc trao đổi giữa Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc với nhóm Đại sứ Ủy ban Chính trị và an ninh EU (PSC) và Đại sứ một số thành viên LHQ về tình hình thế giới |
Nhận lời mời của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Liên hợp quốc (New York), ngày 7/6, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) Đặng Hoàng Giang đã có cuộc trao đổi giữa nhóm Đại sứ Ủy ban Chính trị và an ninh EU (PSC) và Đại sứ một số thành viên LHQ về tình hình thế giới và khả năng thúc đẩy hợp tác liên khu vực trong các vấn đề hòa bình - an ninh quốc tế.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang đánh giá cao vai trò và bày tỏ mong muốn EU có tiếng nói và đóng góp tích cực, trách nhiệm hơn nữa tại hệ thống đa phương và LHQ nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, cạnh tranh đối đầu gia tăng.
Tại diễn đàn đa phương, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đề xuất tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như an ninh biển, an ninh nguồn nước, đề cao luật pháp quốc tế và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ.
Về quan hệ song phương, Đại sứ khẳng định, EU và các nước là những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đề nghị EU tiếp tục triển khai các biện pháp cụ thể, thiết thực hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có việc sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), triển khai sáng kiến Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và gỡ “thẻ vàng” cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam.
Ủy ban PSC (gồm Đại sứ từ các quốc gia thành viên EU) có nhiệm vụ xây dựng Chính sách đối ngoại và an ninh chung và Chính sách an ninh - quốc phòng chung của EU, theo dõi tình hình quốc tế và xây dựng lập trường, chính sách của EU trước các cuộc khủng hoảng. Hằng năm, Ủy ban PSC có chuyến công tác tới LHQ để trao đổi chính sách với tổ chức này và một số nước thành viên có tiếng nói tại LHQ nhằm tăng cường hợp tác và thúc đẩy các ưu tiên chung. |
PV