Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34. (Nguồn: TTXVN)
Khẳng định vị thế
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN) bao gồm 10 thành viên trong khu vực Đông Nam Á đã trở thành một thị trường lớn thứ 3 châu Á với hơn 650 triệu dân, chiếm 8,59% tổng dân số thế giới, GDP bình quân đầu người đạt 4.305 USD, dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, đưa ASEAN thành cộng đồng kinh tế đứng thứ 7 trên thế giới với tổng GDP khoảng 2.766 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, qua hơn 50 năm hợp tác và phát triển, ngoài các trụ cột hợp tác về an ninh - chính trị, văn hóa - xã hội, ASEAN cũng đã và đang tập trung vào hợp tác kinh tế thông qua việc thành lập Cộng đồng kinh tế, coi đây là một trong ba trụ cột quan trọng nhất nhằm hỗ trợ nhau cùng phát triển, xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh về kinh tế, lành mạnh, đa mầu sắc về văn hóa và ổn định về an ninh, chính trị, phồn thịnh về an sinh xã hội.
“Sự phát triển và hợp tác vững chắc của ASEAN góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của thế giới trong thiên niên kỷ mới nói chung, nâng cao vị thế của các nước ASEAN trên trường quốc tế nói riêng cũng như tạo tiền đề cho các khu vực khác đẩy mạnh hợp tác, coi ASEAN như ‘người tìm đường’ trong quá trình đẩy mạnh hợp tác và liên kết kinh tế khu vực,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Ngoài tự do hóa thuế quan, các nước ASEAN cũng đang triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của các doanh nghiệp như dự án thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cơ chế hải quan một cửa..., các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về tiêu chuẩn trong các lĩnh vực điện, điện tử, cao su, thực phẩm chế biến sẵn, dược phẩm và thiết bị y tế...
Theo số liệu của Bộ Công Thương, so với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực Thương mại tự do ASEAN năm 1996 thì sau 21 năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng xấp xỉ 7,7 lần, từ 5,91 tỷ USD năm 1996 lên 45,23 tỷ USD tại thời điểm tháng 11/2017, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào ASEAN tăng gần 12,4 lần, từ 1,6 tỷ USD năm 1996 lên 19,9 tỷ USD.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 13,067 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, sự ra đời của Cộng đồng kinh tế chung (AEC) vào năm 2015 đã đánh dấu một nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế ASEAN với mục tiêu xây dựng một không gian kinh tế ASEAN gắn kết, cạnh tranh, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tham gia vào thị trường ASEAN rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đã có thay đổi và mang tính cạnh tranh hơn.
Đơn cử như mặt hàng tôm, trước đây Việt Nam vẫn phải học hỏi Thái Lan và các nước khác về cách nuôi tôm công nghiệp để có thể có ngành thủy sản xuất khẩu như hiện nay. Nhưng đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, ngay cả trong việc hình thành các mặt hàng, các doanh nghiệp cũng ý thức nhiều hơn về chất lượng sản phẩm, các quy định kỹ thuật.
Hơn nữa, việc hài hòa hóa tiêu chuẩn của ASEAN cũng là những bước hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp, ít nhất là của khu vực.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng lớn mà Việt Nam xuất khẩu đều bắt nguồn từ những nhân tố mà Việt Nam học hỏi ban đầu ở các nước bạn trong khu vực ASEAN, từ cách làm, cách phát triển sản xuất đến chuẩn mực sản phẩm cũng như cách tiếp cận thị trường.
“Ngay cả thời điểm hiện tại khi Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập mới, chuẩn bị tham gia đàm phán những hiệp định thương mại tự do lớn hơn với quy mô mang tính chất toàn cầu, vị trí của Cộng đồng kinh tế ASEAN với Việt Nam vẫn vô cùng quan trọng. Điều này tạo cho Việt Nam nền tảng và khả năng tham gia tốt hơn vào các hiệp định thương mại sắp tới,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Cần sẵn sàng đón đầu cơ hội mới
Tầm nhìn của AEC tới năm 2025 là xây dựng một nền kinh tế gắn kết và hội nhập cao thông qua việc tăng cường kết nối và hợp tác chuyên ngành giữa các thành viên, tăng cường vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như vai trò của khu vực tư nhân.
Để thực hiện tầm nhìn đó, AEC cho phép tự do lưu chuyển hàng hóa với quy trình thực hiện thống nhất và thuận lợi thông qua cơ chế một cửa ASEAN và quy trình đánh giá tuân thủ được công nhận lẫn nhau. Về thuế quan, so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã tham gia thì các cam kết về cắt giảm thuế quan trong cộng đồng AEC là cao nhất và nhanh nhất.
Những yếu tố trên hứa hẹn mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh, mở rộng thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cũng được tiếp cận nguồn nguyên liệu, hàng hóa phong phú hơn từ các quốc gia thành viên khác của AEC. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị trong thị trường chung.
Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), để tận dụng tốt những tiềm năng của AEC trong việc phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng để đón đầu cơ hội. Cụ thể hơn là phải thay đổi tư duy, lấy sức ép cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển.
Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam không chỉ là thành viên của AEC mà đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do khác, theo chuyên gia này, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu, cập nhật thông tin liên quan tới cam kết ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ để khai thác tốt các cơ hội phát triển thị trường. Thêm vào đó, phải đầu tư theo chiều sâu vào công nghệ sản xuất, quy trình quản trị và chất lượng nhân lực mới có thể giúp doanh nghiệp cạnh tranh lâu dài.
Thực tế cho thấy, quá trình hội nhập ASEAN của Việt Nam đã được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội của việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong thời gian tới, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần cải thiện năng lực cạnh tranh, tìm ra cơ cấu sản phẩm hợp lý và nâng cao nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các FTA.
Ngoài ra, việc chủ động tìm hiểu thông tin, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng và hoạch định chiến lược dài hạn là yếu tố quan trọng, then chốt để doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong khối kinh tế này./.