WHO: Biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng khắp thế giới

Thứ năm, 28/01/2021 09:06
(ĐCSVN) - Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 583.478 ca mắc và 16.681 ca tử vong vì đại dịch COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng hôm nay (28/1) lần lượt là 101.404.896 và 2.182.262 trường hợp.
Người dân đeo khẩu trang tại Quảng trường Trocadero - nơi lý tưởng ngắm nhìn tháp Eiffel ở thủ đô Paris, Pháp, ngày 27/1. (Ảnh: Xinhua) 

Theo thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang ngày càng lây lan rộng trên khắp thế giới. Báo cáo của WHO cho biết biến thể phát hiện đầu tiên tại Anh đã xuất hiện tại hơn 70 quốc gia trong khi biến thể từ Nam Phi đã lan ra hơn 30 nước. Biến thể phát hiện tại Anh có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể hiện tại. Chỉ trong một tuần qua, biến thể này đã lan ra thêm 10 quốc gia trong khi biến thể từ Nam Phi đã lan ra thêm 8 quốc gia trong cùng thời gian này. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy biến thể từ Nam Phi lây nhiễm chậm hơn đối với những người có kháng thể. Ngoài ra, một biến thể mới nhất phát hiện tại Brazil cũng đã lây lan ra 8 quốc gia trong vòng 2 tuần qua. Sự xuất hiện của những biến thể virus SARS-CoV-2 đang đặt những nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh đứng trước thách thức mới.

Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 28/1 cho thấy, hiện toàn thế giới có 73.298.689 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 25.920.945 ca bệnh đang điều trị thì có 25.813.831 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 110.114 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới. 

Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 29.607.745 trường hợp, trong đó có 683.250 ca tử vong và 16.486.119 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 210.065 ca nhiễm và 6.375 ca tử vong mới vì COVID-19. 

Sự lây lan nhanh chóng và chưa có điểm dừng của đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhu cầu cấp thiết phải tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine cho người dân Châu Âu. Tuy nhiên, nỗ lực này đang gặp phải trở lực do nguồn cung vaccine không đủ đáp ứng nhu cầu trong khối.

Ngày 27/1, Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides cho biết Liên minh châu Âu (EU) và công ty dược phẩm AstraZeneca đã không được bước đột phá nào trong việc đẩy nhanh tiến độ giao vaccine ngừa COVID-19 vốn đang đứng trước việc bị trì hoãn. EU hiện đang thúc đẩy công ty này cung cấp nhiều vaccine hơn từ các nhà máy được đặt ở châu Âu và Anh sau khi AstraZeneca thông báo việc giao hàng sẽ bị chậm, làm tăng thêm sự thất vọng về chương trình tiêm chủng của EU. Bà Stella Kyriakides viết trên trang Twitter rằng: "Chúng tôi lấy làm tiếc về việc lịch trình giao hàng tiếp tục thiếu rõ ràng", đồng thời lưu ý thêm rằng EU đang yêu cầu một kế hoạch rõ ràng từ AstraZeneca để cung cấp nhanh chóng các liều vaccine mà khối cần dự trữ cho quý I/2021.

Nhiều nước đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh. (Ảnh minh họa: Formaspace )

Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 179.809 ca nhiễm COVID-19 và 5.923 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 29.905.072 và 633.931 trường hợp. Sau nhiều tháng chật vật chiến đấu với dịch bệnh, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, với tổng số 26.166.111 ca nhiễm và 439.517 ca tử vong vì COVID-19. Tiếp theo sau là Mexico, với tổng cộng 1.788.905 và 152.016 ca ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 761.227 ca nhiễm và 19.533 ca tử vong vì COVID-19.

Tính đến sáng 28/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 22.786.576 trường hợp, với 368.108 ca tử vong và 21.230.230 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.188.238 ca bệnh đang điều trị thì có 23.757 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 11.752 ca nhiễm mới COVID-19, tiếp tục củng cố vị trí “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm (10.702.031 ca).

Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 97.456 ca nhiễm và 2.030 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 15.543.250 trường hợp, với 407.787 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Argentina, Peru… với lần lượt: 9.000.485; 2.055.305; 1.896.053, 1.107.239… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Tính đến sáng 28/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.511.476 trường hợp, trong đó có 88.095 ca tử vong và 2.983.192 ca bình phục. Trong tổng số 440.189 ca đang điều trị thì có 2.765 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.430.648 ca nhiễm COVID-19 và 42.550 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 7.070 ca nhiễm và 753 ca tử vong. Xếp các vị trí tiếp theo trong bảng thống kê là Ma-rốc, Tunisia, Ai Cập với lần lượt 468.383; 202.323; 163.761 ca nhiễm bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 46 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 5 ca ở Australia, 35 ca ở French Polynesia, 5 ca ở New Zealand, 1 ca ở Papua New Guinea. Hiện khu vực này ghi nhận 50.056 ca nhiễm và 1.076 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 28.785 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 17.996 ca./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực